Viên Linh - Khởi Hành


GIỚI THIỆU SÁCH
NHẠC PHỔ THƠ
TÂM SỬ CA - VIÊN LINH
    Bấm vào đây để nghe nhạc
  • Tâm Tang - Diệu Hiền
  • Ngày Của Hai Người - Thuỵ Long
  • Chuyện Vãn Cùng Sách Cũ - Thuý Huyền
  • Lầu Chuông - Thành Đạt
  • Cố Hương - Diệu Hiền
  • Em Có Về Hà Nội - Đông Quân
  • Hoa Gạo - Thuỵ Long
  • Ẩn Mật - Thuý Huyền
  • Mai Sau - Thành Đạt
  • Gọi Hồn - Thuỵ Long
TÁC PHẨM ĐÃ ĐĂNG
TÁC PHẨM CỦA VIÊN LINH
A. CÁC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN THÀNH SÁCH:
  • 01. HOÁ THÂN, thơ, Văn nghệ, Saigon 1964. Tái bản bởi “edition lmn,” Bonn 1994
  • 02. CẢNH TƯỢNG ĐÊM NAY, tập truyện, Thời Mới, Saigon 1966. Tái bản 2013, Khởi Hành, California.
  • 03. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, tân truyện, Văn, Saigon 1966; Thế giới, California 1992
  • 04. MỘT CHỖ NÀO KHÁC, tập truyện, Trình bày, Saigon 1967
  • 05. CUỐI CÙNG EM ĐÃ ĐẾN, truyện dài, Hoàng Đông Phương, Saigon 1968
  • 06. CÁNH CỬA ĐÊM THÂU, truyện dài, Nghĩa Thục, Saigon 1969
  • 07. CHIỀU HÔM GIÓ CUỐN, truyện dài, KCN, Saigon 1969
    Thẩm Thuý Hằng film do Bùi Sơn Duân đạo diễn, (dở dang), 4.1975
  • 08. CUỐI TRỜI HÔN MÊ, truyện dài, Kỷ Nguyên, Saigon 1970
    Cuốn truyện dài với bối cảnh Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn
  • 09. MÃ LỘ, tân truyện, Văn 1970; Khởi Hành, Calif., 1997
  • 10. VƯỜN QUÊN LÃNG, tân truyện, Hoàng Hạc, Saigon 1971
  • 11. MỘT MÙA MÊ HOẶC, truyện dài, Ng. Đình Vượng, Saigon 1973
  • 12. TÌNH NƯỚC MẶN, tân truyện, Văn, 1973; tủ sách Khởi Hành, Munchen, Germany, 1993
  • 13. HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif., 1990
  • 14. LÒNG GƯƠNG Ý LƯỢC, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif. tái bản 1990
  • 15. TỚI NƠI EM Ở, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973, Xuân Thu Calif., 1990.
  • 16. THỦY MỘ QUAN, thơ, Thời Tập, Virginia 1982, Thế Giới, Calif., 1992. (đang in lần thứ 3)
  • 17. VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LỊCH SỬ THƠ (CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG I), nhận định văn học, Khởi Hành, Calif., 2000.
  • 18. CỘI NGUỒN BẤT AN, dịch Roots of Unrest của Phan Trần Hiếu, sách song ngữ Việt Anh do nhật báo Hoa Kỳ tại địa phương The Orange County Register xuất bản, California, 1999.
B. CÁC TRUYỆN DÀI TỪNG KỲ ĐÃ IN TRÊN BÁO
  • 01. NHỮNG KẺ ĐỒNG LÕA, phóng tác Les Complices của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Dân Chủ, đầu ’70
  • 02. VÒNG DÂY TREO CỔ, phóng tác Tante Jane của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường, đầu ’70
  • 03. CUỘC TRỐN CHẠY CỦA ÔNG HOÀN VŨ, phóng tác La Fuite de Mr Monde của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường
  • 04. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, kịch dài nhiều màn, đăng trọn vẹn trên tạp chí Văn Nghệ, 196…
  • 05. CON ĐƯỜNG NGỰA CHẠY, kịch truyền thanh, đăng lần đầu trên tạp chí Bách Khoa, 1962 và vở ĐỂ CHO NGƯỜI KHÁC SỐNG Văn Học
  • 06. GIÓ THẤP, tân truyện, in lần đầu trên Nhật báo Sóng Thần, trọn vẹn.
C. TRUYỆN NGẮN, TIỂU LUẬN , HỘI NGHỊ
  • Khoảng 50 truyện ngắn, (không kể hai tập truyện ngắn đã xuất bản Cảnh Tượng Đêm Nay và Một Chỗ Nào Khác) đăng rải rác trên các nhật báo, tuần báo, tạp chí như: Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Văn, Văn Hữu, Văn Nghệ, (nhiều bút hiệu khác nhau, không thu thập được: Sầm Tham, Lê Nguyên, Hồ Tùng Nghiệp, Lê Thường Xuân, Nguyễn Văn Ba, ...).
  • Thơ khoảng 1.000 bài (không kể những bài đã xuất bản trong hai tập Hóa Thân và Thủy Mộ Quan) đăng trên Gió Mới (Bùi Giáng TKTS), Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Phổ Thông, Văn, Vấn Đề.
  • Tiểu Luận (khoảng 30 bài) đăng trên Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Thời Tập,… (thu thập được khoảng 20%)
  • Kịch: 27 vở, chỉ thu thập được 2 vở Con Đường Ngựa Chạy và Để Cho Người Khác Sống.
  • Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Văn Bút quốc tế (61st World Congress of International P.E.N.), Prague, Czech Replublic, 1994, với Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Việt Tuyền, Cung Trầm Tưởng.
PHỎNG VẤN - SINH HOẠT
Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng (2007)
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA:

Theo lời nhà thơ Viên Linh, đương kim chủ nhiệm chủ bút báo Khởi Hành thì nhà thơ Hữu Loan đã "tự ý rời bỏ hàng ngũ Cộng Sản năm 1947, sống đời cực khổ nhất chưa từng có so với nhiều nhà thơ khổ cực khác, nhà thơ Hữu Loan chủ trương làm cách mạng triệt để, tự học, đỗ tú tài Pháp năm 1939, từng làm báo làm thơ, chủ nhiệm chủ bút, bị tù,... Sự nghiệp văn chương 9 năm kháng chiến là văn học dân tộc, thuộc về Miền Nam bởi trong lúc Miền Nam đón nhận, thì CS từ khước!"

"Giải văn chương toàn sự nghiệp của báo Khởi Hành năm 2007 này, báo quyết định trao cho nhà thơ Hữu Loan. Giải được trao không phải chỉ nhắm tới tác phẩm của tác giả, mà còn căn cứ vào phong cách sống và hoạt động văn chương của chính tác giả đó." (nhạc...)

Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp…

Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Trịnh Hưng
(Nguồn: RFA - Radio Free Asia - Đài Á Châu Tự Do)

Mặc Lâm: Thưa nhà thơ Viên Linh, xin ông cho biết về sự thành lập giải thưởng mang tên Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành của nguyệt san Khởi Hành mà ông là người chủ trương. Phát xuất từ yêu cầu nào mà giải thưởng này thành hình, và mục đích của giải là gì?

Nhà thơ Viên Linh Giải Văn Chương do nguyệt san Khởi Hành tổ chức bắt đầu như thế này, anh em viết văn ở trong nhóm đều nhận thấy cái sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật của miền nam trong vòng 20 năm mà có một giải thưởng giá trị được phát hàng năm. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã 30 năm rồi mà không có được một cái giải thưởng nào cả thành ra anh em quyết định đứng ra làm cái việc đó.

Khởi Hành là một tờ báo luôn luôn chủ trương khôi phục cái văn học nghệ thuật của miền Nam Việt Nam vì văn học miền nam tức là văn học của Việt Nam. Vào năm 2005, giải Văn Chương Khởi Hành đã được trao lần thứ nhất cho nhà văn Nguyễn Thụy Long. Khi chọn Nguyễn Thụy Long, anh em đều thấy rằng ông ấy là một nhà văn nổi tiếng của miền nam trước kia và ông ấy không được cầm bút, và hiện nay ông vẫn còn trong nước.

Cái giải Khởi Hành như thế cũng là một cách nào đó để nêu cao và vinh danh những người xuất thân trong một nền văn học dân tộc và hiện không cầm bút được, do đó có giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp. Chúng tôi gọi là giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp vì những người nhận giải đã có sự nghiệp vững chải rồi.

… cho những văn nghệ sỹ có công sức

Mặc Lâm: Ông vừa nói là giải thưởng này chỉ trao cho những văn nghệ sỹ có công sức phục vụ cho nền văn học nghệ thuật của miền nam Việt Nam. Ông lý giải thế nào khi giải thưởng năm nay lại được trao cho nhà thơ Hữu Loan, một nhà thơ mà mọi người đều biết là sống và sáng tác tại miền Bắc trong nhiều thập niên qua?

Nhà thơ Viên Linh Tôi nói văn nghệ sỹ miền Nam tức là văn học miền nam. Điều này chứng tỏ rằng trong bao nhiêu năm ở miền nam, cũng như bao nhiêu năm ở hải ngoại cái nền văn học miền nam và nền văn học hải ngoại luôn luôn là văn học truyền thống Việt Nam.

Văn học miền nam 54-75 nối liền từ văn học tiền chiến vẫn theo các truyền thống của các nhà thơ như Tản Đà, các nhà văn như Ngô Tất Tố và cũng theo truyền thống của những người phục vụ Chân Thiện Mỹ như ông Nhất Linh, ông Lê Văn Trương hay các nhà văn nhà thơ đề cao truyền thống dân tộc cái truyền thống dân tộc ấy có từ 20 năm ở miền nam và hơn 30 năm ở hải ngoại.

Khi chúng tôi chọn nhà thơ Hữu Loan chúng tôi có nói với anh ấy và có phỏng vấn anh. Chúng tôi nghĩ rằng trong 9 năm văn học kháng chiến từ 45- 54 thì nền văn học kháng chiến là nền văn học dân tộc. Các người như Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm... là những người làm thơ kháng chiến và kháng chiến dân tộc. Những người cầm bút trong giai đoạn này không phải theo một chủ thuyết cộng sản nào vì lúc ấy chưa có chủ thuyết cộng sản nào đưa vào văn hóa văn nghệ cả.

Cho nên 9 năm kháng chiến của anh em thời đó là chín năm văn học của dân tộc. Anh Hữu Loan cũng đồng ý với tôi trong bài phỏng vấn mà đã đăng trên Khởi Hành số 128, tháng Sáu. Nhà thơ Hữu Loan cũng đồng ý rằng 9 năm kháng chiến là văn học dân tộc và chúng tôi đã trao giải cho nhà thơ Hữu Loan trong ý nghĩa như thế.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết giải thưởng Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành lấy ngân khoản từ đâu để điều hành? Có tổ chức thiện nguyện nào trực tiếp yễm trợ không hay chỉ là sự đóng góp từ sụ kêu gọi của tờ báo?

Nhà thơ Viên Linh Giải mang tên Khởi Hành tức là mang tên tờ báo chủ trương. Chúng tôi không dương danh nó hay tự xưng nó là giải văn học nghệ thuật Việt Nam hay gì cả...chúng tôi nói rõ đây là giải Văn Học Khởi Hành cũng như ở tiền chiến có giải Tự Lực Văn Đoàn vậy. Do đó chúng tôi kêu gọi anh em văn hữu cộng tác với tờ báo và các độc giả của Khởi Hành cùng tham gia và tham dự tức là cùng hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất.

Lời kêu gọi đầu tiên năm 2005 khi phát động, đã được văn hữu và các độc giả ủng hộ nhiệt liệt. Ban đầu chúng tôi chủ trương rằng có lẽ có thể trao được cái giả bằng hiện kim là 2000 đô la thôi chứ không thể nhiều hơn được, nhưng cuối cùng với sự tham dự rất tích cực của văn hữu và của bạn đọc chúng tôi thấy rằng có thể tăng cái giải lên là 5000 Mỹ kim nhưng số tiền này sẽ chia làm hai phần, 3000 tả bằng hiện kim và 2000 để mua vé máy bay cho tác giả trúng giải từ Việt Nam qua Hoa Kỳ lãnh giải nếu người đó đi được.

Lời kêu gọi đầu tiên năm 2005 khi phát động, đã được văn hữu và các độc giả ủng hộ nhiệt liệt. Ban đầu chúng tôi chủ trương rằng có lẽ có thể trao được cái giả bằng hiện kim là 2000 đô la thôi chứ không thể nhiều hơn được, nhưng cuối cùng với sự tham dự rất tích cực của văn hữu và của bạn đọc chúng tôi thấy rằng có thể tăng cái giải lên là 5000 Mỹ kim nhưng số tiền này sẽ chia làm hai phần, 3000 tả bằng hiện kim và 2000 để mua vé máy bay cho tác giả trúng giải từ Việt Nam qua Hoa Kỳ lãnh giải nếu người đó đi được.

Trong trường hợp người đó không đi được thì 2000 này dùng để in tác phẩm và vẫn trả cho tác giả 10% tiền bản quyền theo thông lệ. Nguồn tài chính của giải hoàn toàn do tờ báo và bạn đọc của tờ báo bỏ ra chứ không do tài trợ của bất cứ cơ quan nào.

Mặc Lâm: Theo ông và các vị trong ban chấm giải thì căn cứ vào những tiêu chí nào mà giải thưởng năm nay được trao cho nhà thơ Hữu Loan? có phải vì tài năng trong lĩnh vực thi ca của ông hay còn vì lý do nào khác?

Nhà thơ Viên Linh Thứ nhất, khi còn trẻ tôi đã đọc bài thơ "Đèo Cả" của nhà thơ Hữu Loan. Trong thời gian này tôi cũng đã đọc những bài như "Tây Tiến" của Quang Dũng và Hữu Loan và Quang Dũng là những sinh viên đã gia nhập trung đoàn Thủ Đô để chống Pháp khi quân Pháp trở lại Việt Nam năm 1946.

Vào tháng 12 năm 46 sinh viên và thanh niên Hà Nội đã nổ súng chống Pháp và sau mấy ngày cầm cự thì sinh viên thua và rút đi từ đó cái gọi là cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu và cũng từ đó có thơ văn kháng chiến. Anh Hữu Loan là một trong những sinh viên Hà Nội và cũng tham dự cuộc kháng chiến ngay từ đầu, đây là lúc anh làm bài Đèo Cả và sau này anh làm thêm bài Màu Tím Hoa Sim rất nổi tiếng sau này để viết về người vợ trẻ mà anh mới cưới thì người vợ chết trong khi anh đang cầm súng chống Pháp.

Tôi theo dõi thơ văn của anh và thấy rằng anh đã rời bỏ cộng sản vì những chuyện anh đã chứng kiến trong chiến dịch cải cách ruộng đất khi cộng sản đem hai ông bà địa chủ những người đã từng giúp bộ đội khi đói nghèo. Khi họ lộ mặt cộng sản và mang hai ông bà ra đấu tố đến chết. Anh Hữu Loan khi nghe được tin này thì đi tìm người con gái của ông bà này khi cô gái này bị cộng sản ra lệnh cho dân làng không ai được cứu giúp cô ấy.

Hữu Loan không những cứu giúp cô gái này mà còn lấy làm vợ cô gái này. Cái việc anh lấy người con gái này làm vợ là một hành vi phản kháng là một hành vi rất dũng cảm. Cái từ tâm của anh đã vượt mọi sự sợ hãi trong lòng cho ta thấy rằng nhà thơ Hữu Loan là một người đã thực hiện những điều Chân Thiện Mỹ không những quan niệm nó mà còn thực hiện nó bằng bản thân và cuộc đời của mình.

Một người như thế mà sống trong bao nhiêu năm ở dưới một chế độ như thế cho đến giớ phút này tôi có thể nói rằng nhà thơ Hữu Loan là người duy nhất trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đòi tách văn nghệ ra khỏi cộng sản chỉ huy.

Anh còn là người duy nhất vẫn giữ được cuộc chiến đấu ấy trong khi có những người bạn của anh đã mất, đã chết hay có những người mệt mỏi vì cuộc sống đã thỏa hiệp cách nào đó. Hữu Loan xứng đáng để chúng tôi nêu danh và xứng đáng để mọi người nhìn như là môt tấm gương của một nhà thơ mà nhà thơ ấy còn là kẻ sĩ của thời đại nữa.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Viên Linh về cuộc nói chuyện hôm nay ông dành cho thính giả Đài Á Châu Tự Do.

(2007 Radio Free Asia)

(Một sạp báo trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975)

Báo chí trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975

Mấy ngày qua trong một quán ăn ở Little Saigon tôi có dịp gặp vài người bạn từ Việt Nam qua, trong khi trò chuyện, một câu hỏi được nêu lên: Tại Sài Gòn hiện nay có bao nhiêu tờ tạp chí văn chương? Bàn ăn có đâu năm sáu người, hầu như tất cả đều lắc đầu, và nhìn nhau lắc đầu. Những người có mặt không ai dưới 50 tuổi, nghĩa là khi biến cố Tháng Tư, 1975, xảy ra, họ đều đã biết đọc, biết viết, sách hay báo. Trong số này có người hỏi lại tôi lần gần nhất về thăm Việt Nam là lúc nào. Câu trả lời là tôi chưa từng có dịp về thăm đất nước từ khi ra đi, nghĩa là tôi không từng thấy một nhà sách một sạp báo nào ở Việt Nam sau 1975.

Nhiều người cười. Anh có về cũng không thể nhìn thấy. Làm gì có nhà sách sạp báo nào sau 1975 tương tự như xưa để mà nhìn thấy. Nhất là Sài Gòn từng có những tòa cao ốc ba bốn tầng ở trung tâm thành phố là một nhà sách; như nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, nhà sách to lớn và nhiều sách báo ngoại ngữ như nhà Xuân Thu trên đường Catinat. Không hề có cái cảnh người ta quây quần quanh một sạp báo còn nóng hổi báo chí trong ngày như xưa. Những tờ báo treo xung quanh ngay trang bìa hay trang nhất, không tin nào giống tin nào, không hình nào giống hình nào.

Người viết bài này từng biết sau khi một tờ báo trong ngày vừa phát hành, những áng văn hay những bài thơ tân kỳ được các độc giả kể cho nhau là vừa đọc thấy trên Mùa Lúa Mới, vừa đọc thấy trên Chỉ Đạo, vừa đọc thấy trên Tự Do, Ngôn Luận, Tiếng Chuông hay Nhân Loại. Viết tới đây, chính người viết bài này thấy mình đang trở về cảnh cũ.

Năm 1957 theo tài liệu của tờ Chỉ Đạo (báo quân đội) số Xuân Đinh Dậu, giới công quyền đã có khoảng 200 loại tập san báo chí thông tin khác nhau. Dân sự thì tới con số không kiểm soát nổi. Hình ảnh nhiều người đã thấy là thường vào buổi trưa, trong vùng chợ Bến Thành, nhà ga cũ xe lửa Sài Gòn, bên kia bùng binh là hai con phố lớn, một dẫn ra bờ sông, một dẫn lên thẳng Nhà Hát Lớn, nhiều xe xích lô đậu quanh chờ khách, nhiều ông già hay mấy người đứng tuổi, ngồi nằm hay nửa ngồi nửa nằm trên nệm chiếc xích lô bọc vải trắng toát, hoặc đang đọc nhật trình, hoặc dùng tờ báo mở rộng cả hai trang đắp tạm lên mình như một chiếc mền, ngủ trưa.

Dân lao động miền Nam Việt Nam đọc báo mỗi ngày là sự việc đã được ghi chép, nói đến từ gần một thế kỷ qua. Người ta đọc báo giữa ngày giữa trưa ngoài phố, trong khoảng thời gian tạm nghỉ.

Báo chí miền Nam trên đường phố như thế có thể hiểu là vừa đúng trên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở một khía cạnh khác, báo chí xuống đường rêu rao là ngày ký giả đi ăn mày như đã xảy ra một thuở là một chuyện cũng nên nhắc lại. Từ tranh đấu bằng ngòi bút lại bỏ bút đi cầm gậy trên đường phố, một vài cá nhân đã làm như thế (đã nói đến báo chí trên đường phố thì nhân đây nhắc lại mà thôi), đúng ra là người làm báo vô tư không đảng phái chính trị không nên gia nhập cuộc biểu tình nào dù nó bất ngờ xảy ra trước mắt.

Trong tổ chức tòa soạn của một tờ báo, nhất là báo hằng ngày rồi đến báo tuần, có những phần vụ nổi bật, một là chủ bút và biên tập viên, hai là thư ký tòa soạn và phóng viên. Bốn phần vụ này tùy theo từng tờ báo và từng loại báo mà thành hình. Nếu là báo lớn ra nhiều trang, tờ báo có nhiều biên tập viên và nhiều phóng viên, người ta có thể có tổng thư ký tòa soạn và vài thư ký tòa soạn (mỗi thư ký tòa soạn phụ trách bốn trang chẳng hạn). Một thời nhật báo Sài Gòn có ít nhất tám trang, ngoài một vị chủ bút, tờ báo có thư ký tòa soạn coi bốn trang ngoài và thư ký tòa soạn coi bốn trang trong. Bốn trang ngoài nghiêng về thời sự, các trang trong nhằm vào việc giải trí, trang ngoài tin tức phải nhanh và chính xác, càng khác các đồng nghiệp càng tốt, trang trong phải hấp dẫn để giữ độc giả nhưng không có công thức chung nào để một tờ báo đạt được điều ấy: Những tờ báo bán chạy, thành công đều có những đặc điểm riêng và bí quyết của riêng họ. Đó lại là chuyện khác của báo chí Sài Gòn trước 1975.

Một vài tên tuổi quen thuộc trong làng báo Sài Gòn cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970:

  • Báo Nam: Tiếng Chuông, Tia Sáng, Lê Xuyên, Ngô Tỵ, Quốc Phượng, Hồ Văn Đồng…
  • Báo Bắc: Dân Chủ, Tiếng Vang, Tiền Tuyến, Vũ Ngọc Các, Quốc Phong, Từ Chung, Thái Lân, Hà Thượng Nhân, Ký giả Lô Răng…
  • Báo tuần: Phụ Nữ Diễn Đàn, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Thẩm Mỹ, Phụ Nữ Mới…
  • Báo ngày: Đuốc Nhà Nam, Ngôn Luận, Chính Luận…
  • Báo chí nhiều và đa dạng, có đến ít ra là hai tổ chức quy tụ đông đảo các ký giả: Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam và Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt.

    (Theo: Viên Linh)
    Những ngày đầu làm báo

    (Viên Linh trả lời báo "Người Việt")

    Thuở nhỏ bước vào nghề cầm bút, tôi không làm thơ mà viết văn, sau này được gọi là nhà thơ, thực tế tôi không nghĩ đến thơ, ít ra là cho tới khi đã có nhiều truyện ngắn đăng báo, sau đó một thời gian tôi mới nghĩ đến vần điệu. Tôi bước chân vào nghề báo trước hết, làm báo trước khi làm thơ hay viết văn, giản dị là khi nộp đơn xin việc trong nhật báo Ngôn Luận, tôi không xin vào đó để làm thơ hay viết văn: tôi xin vào đó để làm báo. Còn nhớ đó là năm 1955, Sài Gòn lúc ấy có khá nhiều báo, ra góc phố nào cũng thấy có sạp báo, nhất là ở những ngã tư nhộn nhịp.

    Khoảng năm 1955 ở Chợ Thiếc có một sạp báo gần Trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ, tôi hay ra đó xem báo “cọp.” Khoảng Thứ Năm tờ báo có trang Học Sinh, tôi thường gửi bài cho trang đó, nên cứ vào Thứ Năm ra coi xem họ có đăng thơ văn mình gửi không. Không bao giờ họ đăng cả. Cho nên không bao giờ tôi mua một tờ báo nào ở sạp báo đó hết, định bụng là cũng sẽ mua nếu bài mình được đăng, nhưng họ không đăng.

    Trong các báo tuần tôi gửi thơ cho báo Bông Lúa, báo Gió Mới, báo Văn Nghệ Tiền Phong, có một tờ đăng ngay, nay tôi lại quên tên song tôi có thiện cảm ở tờ này vì trông tờ báo sáng sủa. Tôi ghé thăm tờ báo và gặp anh thư ký tòa soạn tên là Giang Tân. Anh ăn nói nhỏ nhẹ, tươi cười. Anh cho biết thơ đăng báo không có nhuận bút.

    Nhật báo Ngôn Luận có mục “Mỗi Ngày Một Chuyện,” truyện nào được đăng, tác giả được trả một trăm, nhưng nếu muốn có nhuận bút, khi gửi bài tới tòa báo, nhớ ghi “bài có nhuận bút;” nếu không ghi mà tờ báo đăng lên, họ cũng không trả nhuận bút. Có thiếu gì những người muốn tên mình được đăng lên báo mà không cần được trả nhuận bút.

    (Một tờ báo Ngôn Luận - Hình do Viên Linh chụp)

    Năm 17 tuổi, một giáo sư tư thục dạy môn Lý Hóa thấy tôi có khiếu văn chương, tự dưng hỏi tôi có muốn đi làm báo không, anh có người bạn đang làm giám đốc nhật báo Ngôn Luận. Anh cư ngụ trong Cứ Xá Sinh Viên nơi Ngã Bảy, thấy tôi hay vào đó thăm anh Lê Huy Oanh, nên hỏi nếu có muốn đi làm báo anh sẽ giới thiệu cho, được hay không thì không biết. Anh viết vài dòng vào một tờ giấy, bảo tôi tới nhật báo Ngôn Luận tìm ông Lê Tâm Việt bạn học anh, tôi làm theo lời anh. Ông Việt nói mai đi làm thử coi, được hay không tùy theo quyết định của ông tổng thư ký tòa soạn.

    Tòa báo Ngôn Luận nằm trên đường Lê Lai bên hông nhà ga xe lửa, tôi mang giấy giới thiệu tới, được bảo mai đi làm thử. Việc đầu tiên khi đến là được ông Thái Lân chỉ cho đống báo bừa bộn trong ngày, bảo ngồi đó mà đọc, muốn đọc gì thì đọc. Ba ngày sau ông nói: “Trong ba ngày từ hôm nay cậu tới đọc đống báo đó xem báo chí người ta tường thuật tin tức ra sao, rồi tự động đi các nơi lấy tin, hỏi han, như tới Tổng Liên Đoàn Lao Công, Lao Động, Lực Lượng Thợ Thuyền lấy tin, hỏi xem có nơi nào người ta đình công thì tới hỏi thăm rồi về viết bài, tới chỗ nào thấy đánh nhau xô xát thì hỏi chuyện gì xảy ra viết bài… Hay đi phòng trà ca nhạc thấy xung đột thì quan sát tìm hiểu… Dễ ợt à!”

    Làm năm bảy ngày kiểu đó tôi thấy chán, đi tới chỗ thợ thuyền hội họp tôi thấy chẳng có gì đáng viết, cũng may một hôm ông tổng thư ký bảo tôi: “Mai cậu tới chỗ này nhé, sửa soạn giấy tờ nếu có máy ảnh càng tốt, thấy gì thì tường thuật, phỏng vấn, nhận xét. Làm báo dễ ợt à!”

    Hôm sau tôi được tòa báo chỉ định sửa soạn đi theo dõi tường thuật Cuộc Đua Xe Lạp Vòng Quanh 6 Tỉnh Nam Kỳ, tôi đại diện tờ báo theo cuộc đua, với giấy tờ chứng nhận chính thức. Ông giám đốc trị sự tờ báo mời tôi vào văn phòng, cho biết trong vòng ba ngày tôi sẽ đại diện tờ nhật báo đi theo tường thuật cuộc đua, và luôn thể tường thuật dân tình sáu tỉnh trong Chiến Dịch Trương Tấn Bửu.

    Tôi đã đi Chiến Dịch Rừng Sát nay lại được cử đi Chiến Dịch Trương Tấn Bửu. Qua hai chiến dịch này tôi được gọi chung trong nhóm “phái đoàn báo chí thủ đô” và trở thành bạn đồng nghiệp chính thức với các ký giả như Quốc Phượng, Anh Quân, Dzoãn Bình, Lê Công Minh, nhóm ký giả nhà nghề đương thời thuộc các báo Tiếng Chuông, Tia Sáng, Lẽ Sống, Tiếng Dội, Dân Ta… Trước đó tôi làm trang trong các nhật báo Dân Ta, Tiến, là các trang trong 2, 7 hay 4, 5, ít khi xuất hiện bên ngoài. Sau hai chiến dịch này tôi các vùng I, vùng IV, và vài nơi khác ngoài Sài Gòn. Làm báo hằng ngày khác với giới báo chí nói chung, báo hằng ngày có giới trang trong và giới trang ngoài. Giới trang ngoài là giới làm tin, liên lạc đa phần với các phóng viên; giới trang trong liên lạc nhiều với các nhà văn, các biên tập viên, khá cách biệt với những người làm tin tức chính trị thời sự, chính trường, chính sự…

    Một cách đại thể là như thế, làng báo Việt Nam hiện nay không còn giống với làng báo Việt Nam ba, bốn mươi năm trước. Ngay tờ báo cũng không tương tự nữa. Xưa người ta giữ gìn tờ báo như một sản phẩm văn hóa hay sản phẩm ấn loát, ngày nay tờ báo là tờ báo, tin tức là tin tức, độc giả và người làm báo không còn sự hệ nồng ấm như trước.

    Hộp thư tòa soạn của một tờ báo thuộc các thế hệ trước có khi chiếm cả một phần tư trang, nay xem ra không còn. Ngay cả sự “thư đi tin lại” hầu như cũng không còn là sự đối đáp hay trao đổi. Thế giới và cuộc sống ngày càng bao la, sự đọc và sự viết không còn như trước. Ngày nay có được sự ghi nhận giữa hai bên đã là hiếm hoi rồi.

    (Đăng trên báo Người Việt)

    Tặng quý bạn hai bài thơ do Viên Linh sáng tác:

    Thơ UẨN KHÚC
    Tôi mở ngỏ trái tim
    Kẻ nào mà lạ vậy
    Khi đập vỡ tâm thần
    Bật lên ngôn ngữ khóc

    Gửi anh tâm còn nóng
    Tôi xác lạnh từ đây
    Kiếm xong lời chân thật
    Tà ngữ cướp luôn tay

    Đời như đêm hôn ám
    Tôi sống với tương lai
    Kẻ nào vừa mới chết
    Có mặt tự hôm nay

    Tôi đào sâu trí óc
    Hạ huyệt lý tưởng này
    Đoá hoa đời thắm sắc
    Bừng nở ngọn muôn cây
    Tôi mở ngỏ trái tim
    Cuộc đời như xác ướp
    (Đăng trên báo Nghệ Thuật số 19)

    Thơ KHÔNG ĐỀ
    Gặp em nửa thế kỷ rồi
    Nhớ thương em kể từ hồi sơ nguyên
    Hạ rồi nhật nguyệt chung thuyền
    Trôi anh về bến cửu tuyền mai sau.

    Ôi ba ngàn dặm nhớ thương
    Yêu em xa cách vô thường gần thêm
    Đời này chín nhớ mười quên
    Yêu em anh chỉ lãng quên đời này

    Khi nào em thấy mưa rơi
    Hãy đinh ninh có anh ngồi cùng mưa
    Từ anh khôn lớn đến giờ
    Nghe trời chuyển động là ngờ em mong.

    Ta không tu hạnh đầu đà
    Mặc y phấn tảo cầm hoa năm màu.
    Hành hương ta chẳng đi đâu.
    Hôm nay ta chỉ qua cầu về chơi.

    Chúng ta thức suốt cả ngày
    Ngược xuôi khắp chốn đặt bày nghìn phương
    Đôi khi tư lự đêm trường
    Chúng ta nằm nửa cái giường mà thôi.
    (Viên Linh)

    Trở về đầu trang