Viên Linh - Khởi Hành


 
GIỚI THIỆU SÁCH
NHẠC PHỔ THƠ
TÂM SỬ CA - VIÊN LINH
  • Bấm vào đây để nghe nhạc

  • Tâm Tang - Diệu Hiền
  • Ngày Của Hai Người - Thuỵ Long
  • Chuyện Vãn Cùng Sách Cũ - Thuý Huyền
  • Lầu Chuông - Thành Đạt
  • Cố Hương - Diệu Hiền
  • Em Có Về Hà Nội - Đông Quân
  • Hoa Gạo - Thuỵ Long
  • Ẩn Mật - Thuý Huyền
  • Mai Sau - Thành Đạt
  • Gọi Hồn - Thuỵ Long
TÁC PHẨM ĐÃ ĐĂNG
TÁC PHẨM CỦA VIÊN LINH
A. CÁC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN THÀNH SÁCH:
  • 01. HOÁ THÂN, thơ, Văn nghệ, Saigon 1964. Tái bản bởi “edition lmn,” Bonn 1994
  • 02. CẢNH TƯỢNG ĐÊM NAY, tập truyện, Thời Mới, Saigon 1966. Tái bản 2013, Khởi Hành, California.
  • 03. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, tân truyện, Văn, Saigon 1966; Thế giới, California 1992
  • 04. MỘT CHỖ NÀO KHÁC, tập truyện, Trình bày, Saigon 1967
  • 05. CUỐI CÙNG EM ĐÃ ĐẾN, truyện dài, Hoàng Đông Phương, Saigon 1968
  • 06. CÁNH CỬA ĐÊM THÂU, truyện dài, Nghĩa Thục, Saigon 1969
  • 07. CHIỀU HÔM GIÓ CUỐN, truyện dài, KCN, Saigon 1969
    Thẩm Thuý Hằng film do Bùi Sơn Duân đạo diễn, (dở dang), 4.1975
  • 08. CUỐI TRỜI HÔN MÊ, truyện dài, Kỷ Nguyên, Saigon 1970
    Cuốn truyện dài với bối cảnh Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn
  • 09. MÃ LỘ, tân truyện, Văn 1970; Khởi Hành, Calif., 1997
  • 10. VƯỜN QUÊN LÃNG, tân truyện, Hoàng Hạc, Saigon 1971
  • 11. MỘT MÙA MÊ HOẶC, truyện dài, Ng. Đình Vượng, Saigon 1973
  • 12. TÌNH NƯỚC MẶN, tân truyện, Văn, 1973; tủ sách Khởi Hành, Munchen, Germany, 1993
  • 13. HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif., 1990
  • 14. LÒNG GƯƠNG Ý LƯỢC, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif. tái bản 1990
  • 15. TỚI NƠI EM Ở, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973, Xuân Thu Calif., 1990.
  • 16. THỦY MỘ QUAN, thơ, Thời Tập, Virginia 1982, Thế Giới, Calif., 1992. (đang in lần thứ 3)
  • 17. VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LỊCH SỬ THƠ (CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG I), nhận định văn học, Khởi Hành, Calif., 2000.
  • 18. CỘI NGUỒN BẤT AN, dịch Roots of Unrest của Phan Trần Hiếu, sách song ngữ Việt Anh do nhật báo Hoa Kỳ tại địa phương The Orange County Register xuất bản, California, 1999.
B. CÁC TRUYỆN DÀI TỪNG KỲ ĐÃ IN TRÊN BÁO
  • 01. NHỮNG KẺ ĐỒNG LÕA, phóng tác Les Complices của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Dân Chủ, đầu ’70
  • 02. VÒNG DÂY TREO CỔ, phóng tác Tante Jane của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường, đầu ’70
  • 03. CUỘC TRỐN CHẠY CỦA ÔNG HOÀN VŨ, phóng tác La Fuite de Mr Monde của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường
  • 04. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, kịch dài nhiều màn, đăng trọn vẹn trên tạp chí Văn Nghệ, 196…
  • 05. CON ĐƯỜNG NGỰA CHẠY, kịch truyền thanh, đăng lần đầu trên tạp chí Bách Khoa, 1962 và vở ĐỂ CHO NGƯỜI KHÁC SỐNG Văn Học
  • 06. GIÓ THẤP, tân truyện, in lần đầu trên Nhật báo Sóng Thần, trọn vẹn.
C. TRUYỆN NGẮN, TIỂU LUẬN , HỘI NGHỊ
  • Khoảng 50 truyện ngắn, (không kể hai tập truyện ngắn đã xuất bản Cảnh Tượng Đêm Nay và Một Chỗ Nào Khác) đăng rải rác trên các nhật báo, tuần báo, tạp chí như: Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Văn, Văn Hữu, Văn Nghệ, (nhiều bút hiệu khác nhau, không thu thập được: Sầm Tham, Lê Nguyên, Hồ Tùng Nghiệp, Lê Thường Xuân, Nguyễn Văn Ba, ...).
  • Thơ khoảng 1.000 bài (không kể những bài đã xuất bản trong hai tập Hóa Thân và Thủy Mộ Quan) đăng trên Gió Mới (Bùi Giáng TKTS), Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Phổ Thông, Văn, Vấn Đề.
  • Tiểu Luận (khoảng 30 bài) đăng trên Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Thời Tập,… (thu thập được khoảng 20%)
  • Kịch: 27 vở, chỉ thu thập được 2 vở Con Đường Ngựa Chạy và Để Cho Người Khác Sống.
  • Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Văn Bút quốc tế (61st World Congress of International P.E.N.), Prague, Czech Replublic, 1994, với Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Việt Tuyền, Cung Trầm Tưởng.
VIẾT VỀ VIÊN LINH
CÁC TÁC GIẢ
VIẾT VỀ THƠ VIÊN LINH
Hồi 1982, khi cuốn Thủy mộ quan vừa xuất bản, đọc sách xong, nhân dịp viết thư cho Thanh Nam, tôi thắc mắc: Có bài thơ hay tôi đã biết qua, không hiểu sao Viên Linh loại bỏ không cho vào thi tập này, uổng quá. Chẳng hạn bài “Nhớ Sài Gòn” mà tác giả đã cho nghe qua điện thoại năm 1975, khi tôi còn sống ở Minneapolis, với hai câu đầu:

Đêm qua mơ thấy Sài Gòn
Gối đầu trên sách, gáy mòn tận xương.

Thanh Nam cho rằng “Viên Linh làm thơ quá kỹ, mỗi lần đăng lại thơ là một lần sửa lại” (Thư ngày 25-9-82). Như vậy có nghĩa là sau khi làm ra thơ, ông chọn lọc, sửa chữa và có khi còn bỏ luôn bài nọ bài kia không vừa ý?

Trước đó tôi chưa bao giờ biết chuyện Viên Linh tự sửa thơ mình kỹ như thế nào. Sau lá thư của Thanh Nam, tôi tò mò tìm hiểu. Quả như lời Thanh Nam nói. Tháng 3-1976, Viên Linh có gửi cho xem một bài thơ mới làm xong ngày 2-1-76, tức bài ‘Hương’. Đoạn đầu thế này:

Xa nhau, thôi nhé tuổi vàng
Lá rơi trên tuyết hồn tan dưới đường
Nhớ gì nơi ấy — cố hương
Tóc xanh em gái, dặm trường trung du.
Lộ cao con mắt sương mù
Hồn xa Nam bộ mùa thu có về?

Về sau, khi được in vào Thủy mộ quan, bài thơ nọ xuất hiện dưới hình thức như sau:

Cố Hương

Xa nhau thôi nhé thu vàng
Lá rơi trên tuyết lòng tan dưới đường
Nhớ gì nơi ấy cố hương
Tóc xanh em gái dặm trường trung du.
Lộ cao con mắt sương mù
Hồn xa Nam bộ mùa thu có về?

Nhan đề bị đổi, nhiều chữ thay đổi, nhiều dấu chấm câu bỏ đi, cách phân đoạn cũng khác trước.

Thơ sửa quá kỹ, Thanh Nam bảo có những bài đọc lần đầu “thích thú vô cùng”, sau sửa đổi đọc lại “thấy mất đi cái cảm giác tươi mát”. Lê Huy Oanh viết về thơ Viên Linh cũng nhấn mạnh “được viết rất kỹ, rất công phu”, và cũng ghi nhận là “không hiếm những lúc cái tân kỳ bị thay thế bởi sự cầu kỳ nó khiến cho bài thơ thành ra (...) thiếu tự nhiên.”

Cái quá kỹ (cũng như cái quá ẩu và mọi cái quá khác) có thể có chỗ đáng tiếc và tất nhiên có chỗ đáng khen của nó. Nhân đó, lại xin kể về thời kỳ mới bỏ nước ra đi, Viên Linh ở tiểu bang Virginia, tôi phiêu dạt sang tiểu bang Minnesota. Các mùa đông đầu tiên ở Bắc Mỹ, trong tuyết giá lạnh lẽo, trong cảnh buồn nhớ quê hương, thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại sang, yêu cầu Viên Linh đọc thơ cho nghe, những bài thơ ông mới làm chưa đăng báo nào. Một lần người anh thi sĩ ấy đọc bài thơ thương nhớ người em tu sĩ còn kẹt lại trong nước, với mây câu chót:

Mưa đưa tôi lại Sài Gòn
Trán căng nhiệt đới hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại lầu chuông
Dang tay nện xuống hư không một chày.
Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh.
(‘Lầu chuông’)

(Sách do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành)

Ngẫm lại, trong tâm hồn hoang dã của mình chưa mấy khi vang lên tiếng chuông tiếng mõ; thế mà lần ấy cái âm hưởng gây nên do một chày nện xuống hư không ở lầu chuông nọ ngân nga mãi, thấm thía mãi thật lâu bền. Tôi có cảm tưởng đó là nhờ ở cái tử công phu, cái quá kỹ của nhà thơ, có cảm tưởng rằng tứ thơ độc đáo đã được hàm dưỡng, ấp ủ nhiều ngày đến chín muồi trong tâm tưởng và được diễn đạt trong từng chữ cân nhắc thận trọng, chứ không thể là kết quả của một phóng bút nhanh nhẹn, “tự nhiên”.

Sở trường sở đoản của Viên Linh quấn quít nhau như thế.

Ở Viên Linh còn một điều không thể bỏ qua, là cái mưa. Có thể nói mưa tuôn liên miên trong cả thơ Viên Linh lẫn cuộc đời Viên Linh.

Mưa xa cách:
Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.
(‘Lầu chuông’)

Mưa suốt từ thuở ấu thơ đến giờ:
Lá vàng cọng uá trên cây
Đời mưa tự những vừng mây thiếu thời.
(‘Tâm ảnh’)

Mưa dưới... âm ty (!):
Chiều nay mưa dưới âm ty
Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han.
(‘Thơ bệnh’)

Mưa trên các cuộc tình:
Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm.
(‘Đêm trường’)

Trong thi ca xưa nay vẫn có mưa, thường là mưa vừa đủ nhẹ để gây mơ, để nên thơ, đủ làm mờ chân trời, đủ dấy lên nỗi nhớ nhung man mác v.v... Trong thơ Viên Linh thì không thế. Đây là mưa tầm mưa tã, mưa xối mưa xả. Mưa làm chìm ngập hết những ảo tưởng của nhân thế. Cái mưa như thế mà xối xuống những cuộc tình duyên thì... ôi thôi! Trong thơ Viên Linh không hề có thứ ái tình hồn nhiên tươi sáng như trong Nguyễn Nhược Pháp, đã đành. Cũng không có tình thơ tình mộng như ở Lưu Trọng Lư, không có thứ tình nồng nàn cuồng nhiệt như ở Xuân Diệu, không phải thứ tình cay đắng đầy uất hận của Vũ Hoàng Chương. Thậm chí nó cũng không thất bại một cách lãng mạn, văn vẻ như trong thơ Nguyễn Bính.

Ở thơ Viên Linh, ái tình trong mưa là những cuộc tình duyên khó khăn, trắc trở, ngang trái. Những cuộc tình duyên mệt mỏi và hẩm hiu. Những gần gũi nặng trĩu ưu tư, chất chứa ẩn ức kỳ bí. Trong các mối tình ấy, mưa cứ triền miên như sự đeo đuổi của số kiếp nghiệt ngã.

Chắc chắn, các nhà phê bình căn cứ vào chủ đề (critique thématique) trong trường phái Paul Weber chẳng hạn sẽ khai thác ý nghĩa phong phú của cái mưa Viên Linh, sẽ lần dò tìm đến cội nguồn của ám ảnh từ thuở bé của thi sĩ, sẽ tìm thấy bao nhiêu là chuyện thâm thúy, hay ho. Như đã tìm thấy ở những con thiên nga trong hồ của Valéry, ở con chim thảm thiết của Mallarmé, ở chiếc quả lắc đồng hồ của A. de Vigny, ở khung trời rực đỏ của Hugo, ở bầu sữa đắng cay của P. Claudel, v.v...

Cái ý hướng vô thức nọ (intentionnalité ỉnconsciente) của nó là thế nào, chúng ta chưa truy tầm được. Chỉ biết thưởng thức cái sức mạnh của nó truyền vào những câu thơ đẹp đẽ.

Ông Lê Huy Oanh cho rằng “'Đêm trường’ là một trong những bài thơ tuyệt tác.” Tôi chịu ông quá. Trong ‘Đêm trường’ có cả cái quá kỹ, cái tân kỳ táo bạo, lẫn cái ám ảnh của cơn mưa từ trong tiềm thức, của một bí ẩn có thể truyền cho nghệ phẩm sức sống lâu dài.

Ngoái nhìn lại, tôi thấy mình đã trích dẫn, đã dựa dẫm vào Lê Huy Oanh nhiều quá. Quả thực không mấy khi đọc phê bình mà khoái như khi gặp bài của ông Lê. Ông đọc kỹ, nhận xét tinh, và nói thì thẳng băng. Ông khen bài này tuyệt tác, bài kia là kỳ tác. Ông bảo toạc ra tác giả này ông rất thích nhưng “có cả trăm bài luộm thuộm, dở đến không chịu nổi”, tác giả nọ tài lắm nhưng có những chỗ “rất nhàm tai” v.v... Ông Lê như thế, không mê ông sao được. Ông thành thực, sốt sắng đến nỗi có lúc ông định sửa cả nhan đề bài thơ hộ tác giả. Chẳng hạn bài ‘Đêm trường’ của Viên Linh, ông muốn thi sĩ gọi tên bài là ‘Cúc Hoa’. Chỗ này thì tôi xin can. Thôi, ông ạ. Chúng ta là người ngoài, đừng nên can thiệp “kỹ” quá.

Ngoài ra Lê Huy Oanh còn bảo “Lục bát Viên Linh quả thật có nhiều chỗ có sức quyến rũ mạnh mẽ.” Tôi lại chịu nữa. Ông Lê bảo một tác giả có được chừng mười bài thơ hay đã là quí giá lắm rồi, huống hồ thơ xuất sắc của Viên Linh được nhiều hơn con số đó. Tôi cũng lại chịu nữa.

Chú thích
— Các chỗ trích dẫn Lê Huy Oanh trong bài nhận xét đều lấy từ bài phê bình thi tập Thủy mộ quan của Viên Linh đăng ở báo Đồng Nai số ra ngày 25-8-1983 ở Caliíornia.
— Các bài thơ trích tuyển đều lấy từ phần “Dư tập” của Thủy mộ quan là phần dành cho những bài thơ đã đăng báo ở trong nước trước 1975 tại Việt Nam, ngoại trừ bài “Lầu chuông”. Bài sau này viết ở hải ngoại sau 1975, lẽ ra không nên có mặt trong sách, tuy nhiên được trích dẫn là để làm sáng tỏ thêm ý kiến trong một đoạn ở bài nhận xét trên đây.

(Võ Phiến - Văn Học Miền Nam - Thơ, trang 3155-3166 - Văn Nghệ, 1999)

ĐỌC THƠ VIÊN LINH


Đó không phải là một tập thơ. Đó, đúng thế, là ba thi phẩm. Nếu bạn muốn đọc Thủy Mộ Quan theo thứ tự của số trang, thứ tự của vật lý, từ trang 1 đến trang 219. Thủy Mộ Quan hiện ra trước nhất, Ngoại Vực sau đó và chót hết Dư Tập. Nhưng nếu bạn muốn đọc thơ Viên Linh theo thứ tự thời gian sáng tạo thì phải đọc từ cuối cuốn sách đi lên. Bởi vì là một cuốn thơ nằm trong một cuốn thơ gồm những bài sáng tác trước năm 75 đã in đâu đó. Thi sĩ tìm gặp lại được trong chiều gió.

Ngoại Vực tập thơ thứ nhì trong tập thơ gồm những bài thơ làm sau tháng tư năm 1975. Và chót hết, Thủy Mộ Quan, với 171 đoạn thơ cộng với một bài dài hơn (Gọi Hồn). Phần chính yếu của Thủy Mộ Quan, tập thơ ở trong tập thơ, những sáng tác mới nhất của thi sĩ, tập thơ mang tên tập thơ mà nó là thành phần, đúng hơn tập thơ cho tập thơ mà nó là thành phần mượn danh hiệu, gồm 171 đoạn lợp kín bằng những dòng sao hai mươi tám ngôi bầu trời 69 trang. Một trăm bẩy mươi mốt đoạn mỗi 'đoạn bốn câu, mỗi câu bẩy chữ. Nhị thập bát tú. Bạn đã tìm ra từ ngữ đúng.

Tôi bắt đầu với Dư Tập, tôi đọc dĩ nhiên theo thứ tự vật lý của số trang. nhưng tôi phải bắt đầu bằng Dư Tập. Bạn đã đọc Đêm Trường chưa? Đêm Trường đây:

 

ĐÊM TRƯỜNG

 

Như em rồi Cúc Hoa xưa

Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm

Nhớ em vèo cái thu âm

Hồn theo bóng ngoại

phân thân chín từng.

Nhớ em ly rượu còn lưng

So đôi đũa mộc cười bừng cơn say

Phải anh rồi phải anh đây

Bữa cơm hai bóng

một ngày phần dương.

Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng

Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim

Cúc đen đâu đó Cúc mềm

Vùi anh trong bụng

Cúc hiền như dao.

Năm năm đời trú mái sầu

Thời gian phai nhạt những mầu yêu đương

Nhớ em lần lữa chiêu giường

Đêm nay lại một đêm trường như xưa.
(tr. 134,135)

Bạn có thích bài thơ này không? Tôi thì tôi thấy Đêm Trường tuyệt vời. Có một chút Vũ Hoàng Chương của Mười Hai Tháng Sáu. Có một chút tìm kiếm bản ngã thời trang của thập niên sáu mươi lẩn khuất trong bóng đêm. Nhưng dàn trải nổi bật trong suốt đêm dài đó là bóng dáng kín đáo và ngạo nghễ của Viên Linh.

Tôi cũng thích lắm Thơ Bệnh:

 

Bãi sầu trời ngập trên chân

Dương gian ta lún nửa thân còn gì. *

 

thích lắm cảnh "soi gương lệch mặt" Trong Cõi Đời Tôi, thích lắm năm chữ của Đưa Tôi Về Trần Thế. Tôi tìm thấy thật đầy đủ vóc dáng gầy cao nho nhã và khẳng khái của Viên Linh trên chiếc Lambretta trên những đường phố Sài gòn.

Đêm Trường có đầy đủ kỹ thuật sử dụng danh từ riêng như một danh từ chung, cái đặc thù trở thành vũ trụ cũng như mỗi giọt mưa dưới ngói, một đôi đũa mộc, những danh từ riêng có một cuộc đời.




(Viên Linh - Thủy Mộ Quan)


Bạn có thích động từ phân thân không? Tôi thì tôi khoái động từ cười. Bởi vì cười bừng. Không phải cười bừng. Cười bừng cơn say. Và tài tình hơn nữa, không phải cười bừng cơn say ở bất cứ lúc nào. Cười bừng vào đúng lúc so đôi đũa mộc. Lúc nhớ em. Hãy nhớ kỹ. Đúng lúc nhớ em:

Nhớ em ly rượu còn lưng

So đôi đũa mộc cười bừng cơn say.

 

Có một thế hệ những thi sĩ của thập niên sáu mươi đã mang lại cho chúng ta những bài thơ sáu tám chói sáng. Tôi nhớ rõ lục bát Cung Trầm Tưởng không phải là lục bát Bùi Giáng, lục bát Nguyễn Đức Sơn là lục bát Nguyễn Đức Sơn và lục bát Viên Linh là lục bát Viên Linh. Thỉnh thoảng có người thích Tưởng hơn Linh bảo Linh giống Tưởng. Người khác nặng lòng yêu Giáng hơn Sơn gọi Sơn là Giáng. Giáng là Sơn. Sơn là Linh. Linh là Linh. Võ công của những người làm thơ này không thể giống nhau được.

Tôi có quen biết những thi sĩ danh tiếng này, nhưng không thân thiết với một người nào. Tôi vẫn nghĩ xa cách đến lãnh đạm thì hơn là gần gũi trong phe nhóm. Những trái núi cô đơn hơn là những đụn cát xếp hàng. Trong những cứng rắn trên có tương kính. Ở những mềm yếu dưới mất cả tôn kính cho chính bản thân. Chính trong sự cô đơn gần như tuyệt đối có đủ cả xa cách chọn lựa và tôn kính dấu kín tôi tập nghe và tập thấy, trong mỗi âm thanh đâu là hơi thở của Bùi Giáng, của Nguyễn Đức Sơn, của Cung Trầm Tưởng, của Viên Linh.

Đi từ danh từ riêng rất chung và danh từ chung rất riêng, từ kỹ thuật tăng cách bằng trạng tự cho một động tự đã vút trên cao, cười bừng đó đến kỹ thuật lấy hồi tưởng làm thực tại, từ nhớ em đến phải anh rồi từ hình ảnh cơn say bình dị được nối kết ngay sau đó như ánh sáng phản chiếu với hình ảnh có lịch sử thi ca của ngày phần dương đó là Viên Linh.

 

Ngoại Vực, tôi nghĩ đó là sự chuyến tiếp. Nơi cõi ngoài đó còn gương lệch, và đã hé mở Thủy Tang. Ngoại Vực là con đường đưa Viên Linh đi từ Lục bát và Năm chữ sang Bẩy chữ, từ những bài không giới hạn đến một kích thước nhất định của bầu trời nhị thập bát tú, thơ tình dằn vặt trong những tìm kiếm bản ngã tới một thế giới thơ khác, một thứ thơ nhật ký, nơi đó không phải chỉ có tình yêu, cái tôi. Bạn tìm thấy không trong đáy sâu thẳm của Thủy Mộ Quan tâm sự của người binh bại, đoạn 2 của người tình nhận thức được sự trôi chảy của thời gian, đoạn 5 thật nhiều hồi tưởng, đầy ắp những thuyền nhân u uất trong lòng biển.

Nhớ Nguyễn Thụy Long, thơ nhật ký ghi Loan Mắt Nhung. Thi sĩ nhớ mẹ, thơ nhớ mẹ, thi sĩ thức giấc với siêu thoát, thơ lên chùa xưa thăm nhà sư già. Ô, còn nhiều thứ khác nữa, lịch sử nước ta, sự ngăn cách vạn lý người phương Bắc và người phương Nam, suy tường về văn chương ta mấy chục năm, chút nắng ngày gặp lại người yêu cũ "nháy nhau tý chút cười như nghịch", những giấc Liêu trai xưa, đoạn 70 ...



 

Đoạn 76. Viên Linh viết:

Lưu vực điêu tàn ở biển Đông

Xương bày như thú cháy rừng hoang

Nhưng rừng không cháy nào đâu thú

Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.

 

Đoạn 2. Viên Linh:

Có kẻ bên trời thức trắng canh

Hồn xưa binh bại quẩn chân thành

Lắng nghe tiếng kẻng đồn quân cũ

Hối hả ra đường rảo bước nhanh.

 

Ôi tôi muốn mặc vội quần áo chạy ra đó cho kịp, hô to có mặt. Tôi muốn khóc.

 

Viên Linh, Đoản khúc 5:

Em có yêu tôi chờ kiếp khác

Đời nay nguyệt tận bóng hư quang

Triều âm từ trước cùng trăng bạch

Đã hẹn tìm nhau dưới đáy sông.

 

Bìa một của thi tập Thủy Mộ Quan của Viên Linh có hình một chiếc nón với những nét trắng trên một nền đen sâu thẳm như một đốm lửa trong đêm đen. Tôi cầm chiếc nón đó lên cài vào đó mảnh giấy nhỏ có giòng chữ vắn: "Đọc Thủy Mộ Quan của Viên Linh rồi. Cám ơn." Bên dưới mẩu giấy nhỏ này ký tên: Nguyên Sa.

Đời Magazine, l983.
 

THƠ BỆNH

nguyên bài

 

Lúc này hình đất tượng cây

Đời ta như nước chảy đầy bãi xa

Chiều rồi lòng mở không ra

Mênh mông trong ngực mùa hoa hải tần.

 

Khói um kín mộng thanh tân

Hình ta sụp đổ mấy lần trong gương.

Bên kia bóng vội lên đường

Đằng sau mặt thuỷ trùng dương sóng dồi.

 

Nước xa cuồn cuộn ra khơi

Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần

Bãi sầu trời ngập đến chân

Dương gian ta lún nửa thân còn gì?

 

Chiều nay mưa dưới Âm Ty

Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han.

(Thuỷ Mộ Quan, tr. 136, 137).


Nguyên Sa (trích từ Khởi Hành số 74, tháng 12.2002)

LỤC BÁT VIÊN LINH

1.

Từ thuở bình minh ấy, khi Biển Đông vừa tàn cuộc khói sương, những đợt sóng vỗ bờ, xô nắng mai lên bãi cát, ghi dấu phế hưng của một thời lãng mạn bi hùng; có đoàn người lần theo duyên hải, định hướng chân trời, đâu là phương sinh nhai cho tròn cõi nhân sinh. Không biết tự bao giờ, là thiên mệnh, hay là huyền sử, tôi đọc thơ và yêu thơ từ những chuyện lãng du. Người đi, từng bước để lại phương trời quá khứ, ghi vết tích trên từng dấu chân, để rồi sóng biển xóa nhòa. Ký ức thành mộng tưởng.

Khi mà ký ức còn bị vùi lấp trong những lớp bụi mù phố thị, eo xèo tiếng vọng từ hí trường giả dối, lải nhải trên những giá trị phù hoa; ngôn ngữ nguyên sơ, tiếng khóc từ khi lọt lòng Mẹ, chỉ là âm vang của ma quỷ tranh nhau trong bóng tối. Ta hay người, bỗng chốc lạc loài trong lòng đất Mẹ. Chợt đồng vọng tiếng ru đâu đó, giai điệu u trầm ấp ủ đàn con từ những ngày dựng nước. Đàn con ra đi theo những lớp phong ba của lịch sử quay cuồng, anh em như những người khách lạ, nhìn nhau mà không biết ai đến từ phương nào. Hình đã đổi khác, mà tâm tư cũng thành cách biệt. Chợt nhận ra một nửa hồn mình khi nghe tiếng khóc của người.

Tôi đi tìm tiếng khóc còn hồn nhiên, để nghe truyện kể bắt đầu từ những hạt mưa trên đỉnh Trường Sơn, đổ xuống bình nguyên mà vào Đông Hải. Tiếng khóc chào đời hồn nhiên, bởi tình yêu của Mẹ trong điệu ru sáu tám. Một mai, tiếng khóc trong cõi nhân sinh nhuộm máu quân thù để viết thiên lịch sử quan phương, để xóa nhòa huyền sử, thì trong nguyên ngôn, trong tiếng khóc ban đầu, vẫn là khúc hòa âm của huyền sử được viết bằng thơ. Nghe huyền sử, được kể bằng thơ, để yêu mình và yêu người, để còn nghe đồng vọng tình yêu của Mẹ, từ lòng Đất Mẹ. Mai sau dù có bao giờ… Mai sau, khi ta đi đến cuối, hay gần đến cuối, những đoạn đương khổ lụy lưu đầy trong cõi nhân sinh này, đã đơn độc giữa toàn anh em mà như khách lạ này, lúc ấy biết đâu ta cũng tình cờ muốn nhẩm đọc những câu thơ như vầy:

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
(Thủy Mộ Quan 78)


Lời thơ như nửa hận, nửa yêu. Yêu và hận, từ một chân tình diệu vợi:
Tình ta một mối tình câm
Nói ra im lặng, âm thầm tiếng vang.
(Thủy Mộ Quan, Ngoại Vực)


Buồn vui, yêu hận, loanh quanh trong một kiếp người, của một đời lãng tử, lênh đênh qua mấy ngọn hải triều, để nghe trong ta, một thời xa xưa, Lưu Nguyễn lạc lối đào nguyên mà vẫn mơ màng phố thị, hành trang chỉ là một gói hoài niệm trong bóng điện đường, những chuyến xe đò khuya tạnh:
Đêm sâu giữa lũng bò vàng
Điện lu phố nghiệp xe dàn bến không.
(Lục bát, Kinh Cầu Nguyện)


Đâu đây, nghe như truyền thuyết của một cuộc lữ hành bất định và bất tận. Từ đó ta nghe da diết một vần thơ, điệu ru huyền sử, huyền thoại về những người con theo Mẹ lên rừng và theo Cha xuống biển:

Nước tôi huyền sử chẳng hoang đường
Lưu Nguyễn rời non mỗi rạng đông
Về kiếm người thân người mất dấu
Nhà xưa tìm đến thấy dâu xanh
(Thủy Mộ Quan, 82)



2.

Thế giới thơ-cõi thơ, và thế giới thực của người làm thơ, không là một, và cũng không là hai. Buồn vui với chính mình, với tình đời và tình người, người làm thơ trong khoảnh khắc tan biến vào một thế giới hoang liêu. Đêm dài với ngọn đèn lu; ánh điện đường với bến xe trống vắng. Có thể là như thế. Chỉ trong khoảnh khắc chìm đắm, và tan biến. Tan biến trong thơ để tính thể tồn tại của ta phơi bày như lãng tử bị ném vào một cuộc lãng du không định hướng. Rồi tan biến trong đám người trong các ngõ hẻm, trên hè phố, để vật lộn với nhân sinh, khắc khoải với ngày mai tồn tại hay không tồn tại với những lợi hay hại, đắc hay thất, vinh hay nhục, với những viên đạn lạc loài, với những mảnh vỡ bom, mìn, bên vệ đường, trên đê ruộng.
(Viên Linh - Thủy Mộ Quan)


Anh, trong thế giới hiện thực ấy, hằng ngày vẫn phải giao tiếp mọi người, những con người mà “gót danh lợi bùn pha sắc xám.” Bận tâm với số lượng tăng giảm của những tờ nhật trình, với những lời khen chê, những chuyện thị phi phù phiếm, với các giải thưởng. Thế giới thực mà không thực. Thi sĩ, tự trong tính thể, cũng chỉ là một hữu thể tại thế, một mảnh đời được ném ra đó để phải tự mình sáng tạo nên giá trị của sự sống. Ta từ đâu đến? Mọi người đi tìm câu trả lời trong các tôn giáo, triết học. Tín đồ tôn giáo tìm thấy câu trả lời cho định mệnh tồn tại của mình từ tượng Thánh trang nghiêm trên bệ thờ, với những vòng hào quang rực rỡ và tinh sạch, thánh thiện. Sinh viên triết học tìm câu trả lời từ các giáo sư đạo mạo trên bục giảng nghiêm túc. Thi sĩ đi tìm câu trả lời từ những rác rưởi của đời sống thường nhật – mà các nhà mô phạm văn hóa gọi là đời sống hiện thực. Những giá trị nhân sinh được thẩm đinh là cao thượng, thánh thiện, vinh quang, để dành cho các nhà văn hóa quan phương trong các dinh thự cao sang. Giá trị nhân sinh tồn tại nơi thi sĩ chỉ là những mảnh vụn bị bỏ quên, những đoạn đường khấp khểnh, những con người nửa điên nửa tỉnh. Ưu tư, khắc khoải, hoang vu, sầu muộn, ưu phiền, những từ ngữ chất đầy bóng tối não nùng trong các vần thơ, được xem như là biểu hiệu thái độ ươn hèn, khiếp nhược trong trường cạnh tranh sinh tồn; là những từ ngữ có nội hàm đen tối trong các pho từ điển triết học. Chất liệu phế thải trong đống rác là những thứ đáng lợm giọng cho nhà phú hộ; nhưng là dưỡng chất tồn tại của những người cùng khổ. Chúng hàm giá trị dinh dưỡng không hề nhượng bộ các thứ cao lương mỹ vị khi được tiêu hóa bởi dạ dày của hạng cùng đinh. Thi sĩ tiêu hóa trong thơ mọi thứ hạ liệt thấp kém, những thứ xấu xa vô nghĩa trong đời thường thành những giá trị vĩnh cửu; thành những thực phẩm dinh dưỡng tất yếu cho tính thể tồn tại của nhân sinh. Vậy thì, nhà thơ ấy từ đâu đến?

(Đang cập nhật)



3.

(Đang cập nhật)

VIÊN LINH TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THƠ

Mỗi người sống ở đời dường như chỉ là để bước đi và hoàn tất định mệnh của mình. Để đáp lại tiếng gọi của một vì sao giữa cõi không cùng mù mịt, tiếng gọi xa xăm ấy đôi lúc đã thấp thoáng hiện ra trên một đường chỉ tay, giữa những đường bản mệnh chằng chịt của đời người. Người thi sĩ ấy, tôi thấy rất rõ, là anh luôn tin ở sức mạnh kỳ bí ở cõi không cùng chi phối và dẫn anh về với cái đẹp. Bị cuốn hút vào giữa vực thẳm phiêu lãng, anh đã vận hành đời mình qua những đổi dời, mất mát, qua những dấu mốc của lịnh sử, của đất nước, có lúc hào sảng, nồng nàn, lúc thì đượm màu tan nát, bi thương, nhưng lúc nào cũng như lúc nào, sau cùng cũng là chỉ để sống cái kỳ diệu ẩn mật của một nhà thơ. Nhiều khi anh cũng vướng víu lắm chuyện rộn ràng, cười cợt cay đắng, buông thả với đám giang hồ, cứng rắn trong chuyện đời, ương ngạnh với xã hội chung quanh. Nhưng rồi đâu lại vào đó mà thôi, bởi vì anh chỉ là một thi sĩ, sứ mệnh của anh là sống đời một nhà thơ, để cưu mang sức nặng của một cuộc đời cô độc, để sống với niềm hoang vu thơ mộng đến không cùng, để làm con chim ưng nằm trên ngọn núi cao, bên bờ vực sâu, cắn nỗi sầu vào lòng, và luôn đối đầu với bóng đen và cõi hư vô bất tận.

Này biết vì sao cứ cạnh núi cao thì có vực sâu

Vì trên đó có con chim ưng nằm sầu mắt đỏ

.......

Ngó hoài cuộc đời đen tối

Những điểm sáng thình lình là những cõi hư vô

(Dạ Điểu, Hóa Thân, trang 87) (1)


Cũng như những bạn văn cùng thời, anh có những ngày tuổi trẻ thật sôi nổi. Nói đến những ngày ấy, chẳng thể nào không nhớ lại bóng dáng của những Nietzsche, Dostoievski, Malraux, Camus, Sartre, và nhiều khuôn mặt khác như Holderlin, Rilke, Heidegger, Éluard, Aragon đang trùm những cái bóng lớn xuống nền văn nghệ bấy giờ (2). Thì thời nào cũng vậy mà thôi; thời thượng, thời trang tạo thành cái đẹp sôi nổi của thời đại.

Giữa bầu khí ấy, anh đã chọn cho mình một hình ảnh riêng, một con người chính trực, là Camus, để theo đuổi và đồng hành. Sự chọn lựa lắm khi thực mơ hồ nhưng chọn lựa đã dựng nên hành trình, và mọi chuyện đã chuyển động theo hướng được chọn. Nhớ lại những ngày ấy, anh cũng phải nhận như mọi người chung quanh đã nhìn thấy,

“Đó là những năm cuối thập niên năm mươi, những năm của hiện sinh, của bản ngã, của đời sống thanh niên thành phố vừa vào tuổi hai mươi, của “những đêm khuya ngã tư đèn vàng,” những đầu tháng tạp chí văn chương. Của...” (3).

Đó là thời của những tiếng thơ kỳ lạ, đột khởi sừng sững giữa trời thơ những Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn... hay một khuôn mặt đã xuất hiện trước đó nhiều năm, từ thời tiền chiến, từ trước thời đất nước chia cắt, vẫn còn trụ vững một dáng đứng đồ sộ và vô cùng độc đáo: Đinh Hùng. Nhưng không phải chỉ là như vậy, giữa cái chung của thời đại, anh lại dựng cho riêng mình một cái cõi kỳ lạ thăm thẳm của siêu hình, của tối tăm lung linh, và đôi lúc lay động sáng lên qua một bức màn chắt lọc của trí tuệ, vậy nên đã có người, dường như là Phạm Duy thì phải, gọi thơ anh thời bấy giờ là một thứ Poésie cérébrale.

Chẳng biết có đúng không, nhưng tôi, bấy giờ ở tuổi vừa mới lớn, đọc thơ anh, tập Hóa Thân, tôi liên tưởng đến chàng trai trẻ Rimbaud đang để cho những lời lẽ huyền ảo cuốn đi, nồng nàn giữa những hòa hợp của âm thanh và hương sắc pha trộn, cuốn hút. Ở tuổi mười bảy, Arthur Rimbaud đã hát lên với rung cảm đầy tràn nhựa sống, rờn rợn cảm xúc.

Đêm tháng sáu! Mười bảy tuổi! Ta để mặc cho lòng say sưa

Với máu huyết bồng bột, nguồn thơ dồi dào như hơi men tràn ngập đầu óc.

Ta nói bâng-quơ, trên môi ta thoáng cảm thấy một cái hôn

Rờn rợn như một con vật nào đê-mê ở đó.


(Nuit de Juin! Dix-sept ans! On se laisse griser.

La sève est du champagne et vous monte à la tête.

On divague, on se sent aux lèvres un baiser

Qui palpite, là, comme une petite bête.) (4)


Cũng ở khoảng tuổi ấy, đúng hơn là đã già dặn hơn một chút, lớn hơn một chút, với độ tuổi 20, anh cũng thấy rờn rợn và rạo rực cái cảm giác khó tả, nhưng không phải chỉ ngưng lại ở đấy, anh nhìn xa hơn, bắt đầu khám phá chính mình, để tìm bản ngã và đã tìm thấy định mệnh của đời mình, tiệm tiến trong một quá trình phát triển và tàn lụi, có cái gì kỳ dị, tang thương, và hơi quái đản. Có lẽ đó là một chân dung được nhìn qua tấm kiếng soi siêu thực, được mò mẫm với những khám phá của tâm lý chiều sâu.

Tôi có mười ngón tay

Để nâng niu hạnh phúc

Từ khi ra chào đời

Móng một ngày một sắc.

Mười chi chia làm đôi

Hai chục năm góp lực

Nằm nghe rụng tương lai

Một ngày một sợi tóc.

Nằm nghe ngóng tương lai

Môi liếm dần nước mắt.

(Khai Sinh, Hóa Thân, trang 10)


Đó là những ngày khởi đầu của cõi thơ Viên Linh, nhưng may thay, anh là một người phương Đông, từ trong máu huyết đã nặng nợ với một nền văn hóa trầm mặc và quân bình, tổng hợp chất Hoa-Ấn cổ đại, Lạc Việt, và Đại Việt, nên hành trình của anh không phải chỉ là để đi tìm những cái diễm lệ của một mùa địa phủ. Anh trở lại, rồi tiếp tục rảo bước trên những chặng đường trầm thống của riêng mình, hòa nhập vào chiều sâu trầm thống của đất nước.

Ở khoảng tuổi ngoài 30, nhìn lại những ngày đã qua, anh có những dòng tự sự đẹp, tỉnh táo, và trầm lắng. Ở đây, anh đã buộc chặt đời mình vào một gút thắt định mệnh, gút thắt đó cũng chính là chọn lựa của anh: Năm anh chào đời cũng chính là năm Camus vừa hoàn tất vở kịch Le malentendu. Ngộ nhận làm thành bi kịch. Và rồi bi kịch sẽ tiếp theo bi kịch. Khởi điểm từ đó, anh đã bước đi trên những nẻo đường riêng của đời mình.

Y sinh ra đời vào năm

Một ông nhà văn Pháp

Viết xong một tác phẩm dài

Có nhan đề Ngộ Nhận

Y chăn trâu đến năm mười lăm tuổi

Thả diều trên cánh đồng làng

......

......

Em ơi y làm thơ viết truyện

Lại còn làm báo văn chương

......

Y nổi hứng chiều nay

Khi uống vài ly rượu đế

Ngồi lâm râm đoán chỉ bàn tay

Chằng chịt những đường bản mệnh.

Thây kệ là bên kia trái đất

Có người tri kỷ đợi dài

Thây kệ xuân hồng cỏ biếc

Bao lần trái địa cầu quay.

......

......

Y sinh ra đời vào năm

Một kẻ hoài nghi nhân loại

Lọt lòng

Lớn lên làm tên vô chính phủ

Một đời không phụng thờ ai (5)

......

......

Y bắt đầu yêu Lão Tử

Bắt đầu mê mệt Trang Sinh

Nghe gió nổi trên những tầng mây thẳm

Hình dung một cánh đại bàng

Giữa cuộc đời ngựa xe bụi bậm.

Mơ đập tan

Hình hài bé mọn

Làm sương mai gió bấc làm thủy thạch hải tần

Mênh mông chan hòa

Viễn viễn

......

(Lời Nôm gửi em Hoa, Chợ Lớn, 1974) (6)


Cái ám ảnh của một người phiêu lãng trong văn chương, hợp với những vấn đề thời thượng bấy giờ đã thúc đẩy anh cấu kết nên một không gian thơ khắc khoải, sâu hun hút. Anh mê thơ nên bỏ nhà đi lang bạt kỳ hồ rất sớm, ở tuổi 17 đã sống lặng lẽ nơi một căn gác nhỏ ngoài đời sống gia đình, rồi từ đó, anh sẽ đi qua nhiều gác trọ khác nữa, thực phong sương, tẩm nhiều bụi bậm cuộc đời (7). Đi lang bạt, anh nói là để kiếm sống, nhưng thực ra là để tìm thơ. Phải nói là để sống đời một thi sĩ, sống định mệnh của anh. Không những chỉ với thời thanh xuân ấy, mà cả suốt đời anh, cho mãi đến những ngày trước mắt hôm nay cũng vậy. Hiện anh đang lưu trú giữa một căn phòng đầy sách vở, hàng ngàn quyển sách chất dọc theo bờ tường, từ nền nhà đến mái nhà, và bao nhiêu là rượu, những chai rượu ngả nghiêng hay đứng sắp hàng nghênh ngang, bên những quyển sách đông tây kim cổ nghiêm chỉnh trên giá sách; căn phòng ấy đối với nhiều người là nơi làm việc của một chủ báo, một nhà nghiên cứu, một người viết lách nghiêm trang, nhưng tôi vẫn nhìn thấy thực chất của nó, vẫn là gác sách, mái nhà trọ, căn phòng xép của người khách giang hồ. Trong một tản văn rời viết thời trước, từ năm 1969, anh từng đã có dịp thổ lộ:

“Tôi nhớ lắm những năm luẩn quẩn suốt từ miệt ngoại ô này đến một miệt ngoại ô khác. Văn Nghệ ta không xuống từ một cửa trường; văn nghệ ta xuống từ những căn gác xép, những con hẻm tối.

Anh hỏi tôi về Thơ.

Chẳng có gì, Làm Thơ không phải rảnh mới làm, hứng mới làm.

Làm thơ là không làm gì khác. Lúc nào cũng phải nghĩ đến nó. Lúc nào cũng kiếm tìm. Ở đỉnh cây bên đường. Ở đáy ngõ cuối phố. Ở trên ngọn tóc trên đỉnh ngực dưới bụng nàng. Ở trong đầu giữa tim giữa trán chàng. Ở cát bụi ở sương gió. Ở một nghìn cửa sổ. Ở một dung nhan. Ở cái bàn cái ghế cái giường cái chiếu. Ở xe chạy thuyền trôi ở sức nóng ở nước lạnh. Ở trái bóng đỏ ở sợi tóc bạc ở ly rượu cay ở ngụm thuốc đắng. Ở đá bia mộ người ngoại tộc. Ở môi hồng trẻ nhỏ con thơ. Ở bạn ta hào sảng vợ người nghiêm trang. Ở con đường xe lửa bỏ hoang. Ở miền viễn xứ ở vùng cận em.

“Làm thơ lúc này lại càng khó. Chữ nghĩa nhịp điệu sinh khí của Thơ Tự Do đang biến đổi. Trầm xuống lặn vào. Và người bạn trung niên thi sĩ, anh vừa mở một cánh cửa mới cho Thi Ca, nhìn vào một ngôi nhà trống trải, ngó xuống một cánh rừng mênh mông. Muông thú và tu sĩ. Tiếng kêu và kinh tự.” (8)


Mấy điều bày tỏ đó không chỉ là tâm tình, mà là cách sống, và cũng là quan niệm về văn chương, nghệ thuật, đặc biệt là về thơ. Cái nhìn của anh về chữ nghĩa, và con đường của thơ coi vậy mà rất cập nhật và rạch ròi, anh đã thấy đâu là thời thượng, là bế tắc, và đâu là lối mở ra cho một chân trời mênh mông thực sự của thơ. Nhưng thôi, hãy khoan nói đến những trang thơ mới về sau, với âm điệu, kỹ pháp, thi pháp, hồn thơ chất ngất, cùng với sự cộng thông, chia sẻ, sống cùng, sống thực với nỗi đau của đất nước, của nhân dân, và đồng bào, chúng ta hãy đọc lại đôi dòng thơ của anh thời Hóa Thân, thời của những khắc khoải nhuốm đầy màu sắc siêu hình.

Trong khảo sát dưới đây, chúng ta sẽ đi qua những dấu mốc của đời thơ Viên Linh, khám phá lại một vũ trụ ẩn mật được phơi mở kỳ diệu qua ngôn ngữ, chữ nghĩa.

(Viên Linh - Tự họa)

HÓA THÂN: CÕI MÙ MỊT CỦA MỘT TÂM THỨC LẠ THƯỜNG

Trần Tuấn Kiệt viết về Viên Linh trong sách Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (Khai Trí xb, Sàigòn, 1967) đã nhận xét khá xác đáng về thơ Viên Linh thời Hoá Thân. Tôi lọc lại được mấy chữ từ ghi nhận của Trần Tuấn Kiệt: “Cõi mù mịt của một tâm thức lạ thường.” (9) Ghi nhận ấy là ánh lửa mà chúng ta có thể sử dụng để soi rọi khi đi tìm và khám phá lại những đáy sâu và vực thẳm lạ thường của thế giới Hoá Thân. Dưới ánh lửa ấy, chúng ta hãy thử tiến sâu vào cõi thơ Viên Linh thời kỳ này. Ví dụ là cảnh tượng Viên Linh vẽ lại, từ một cõi “hỗn mang” nào đó, của chiều sâu vô thức vừa được vực dậy.

Chiều trên núi còn trông theo biển rỗi
Lúc này bầu trời âm u
Tôi vuốt ve bờ đá hốc thủng mòn
Thân thể quên là một giấc mơ.

Vì sao khuất rồi cùng niềm im lặng
Bầu trời mang lên giấu trên cao
Trong cuộc sống tuổi thơ già như sậy
Mọc chen chân ngoài cõi đớn đau.

Tôi lạnh lẽo đêm nằm dáng sâu
Rụng lốt chân chui cùng cỏ rối
Hạnh phúc mọc hoang khắp cánh đồng lầy
Trừ những lối đi những con đường kia.

Ôi, bước chân kẻ nào lao chạy
Đêm tàn đêm lưỡi hái treo lên.
Hoàng hôn chết rồi còn một cánh tay
Một sợi dây đen móc vào bóng tối
Tôi rơi bổng trong vòng va chạm hãi hùng.

Một mình xoay suốt cuộc tang thương.
(Hỗn Mang, trích toàn bài, Hóa Thân, trang 13-14)


Một cảnh tượng kỳ dị từ đáy thẳm tiềm thức, bay lượn giữa những giấc mơ hoang dại, phi lý, chẳng thể nào hiểu nổi. Bầu trời âm u, hốc đá thủng mòn, những bước chân lao chạy tìm kiếm hạnh phúc trên cánh đồng lầy hoang vắng bởi vì hạnh phúc chẳng hiện hữu trên những con đường thẳng tắp. Chỉ còn một nơi để bấu víu là sợi dây đen nối liền từ hoàng hôn đã chết và bóng tối sâu thẳm.

Trần Tuấn Kiệt cho là Viên Linh đã dựng nên cõi trú ngụ thâm u đó cho linh hồn mình,(10) nhưng ta cũng có thể nói, cái thẳm cùng ấy đã chọn tâm hồn nhà thơ để làm nơi ẩn náu. Ngôn ngữ không còn là phương tiện của nhà thơ, mà nhà thơ chính là phương tiện của ngôn ngữ, phương tiện để thơ sinh tồn và biểu lộ. Đã có một sự tương hợp giữa thi sĩ và thế giới thơ, và dù thế nào, thì cũng có một điều rất dễ nhận ra là thế giới đó của Viên Linh lúc nào cũng tỏa ra một sức hấp dẫn của bóng tối thâm u, mù mịt, sâu thẳm.

Sống lại một cảnh thực của thời thơ ấu, với nhà ga xe lửa, nơi anh chào đời mấy mươi năm trước, con đường sắt, và những đoàn tàu rầm rập chạy qua, thì cái quá khứ ảo mộng ấy cũng lại trở thành một cái gì đang làm tàn rã mọi sự, làm tàn rã xương thịt và cuộc đời.
Đêm đêm theo giấc mơ đời trở về cùng giấc ngủ

Giấc mơ trở về cùng giờ xe lửa qua
Con tàu đi rầm rầm dưới núi đá sâu

Tôi dơ hai cánh tay gầy níu
Bóng đèn lu cuối toa dài nỗi thở than

Quá khứ than ôi mang cánh trở về
Rỉa thân tôi rã dần thịt xương.
(Trở Về Mái Nhà Xưa, Hóa Thân, trang 93)


Và như vậy, hạnh phúc thực, tình yêu thực chỉ là một cái gì đầy hốt hoảng, khắc khoải, cằn cỗi, tối tăm, cô đơn, là một cuộc lưu đày khổ sai.

Nhận tôi với khuôn mặt này hốt hoảng
Con tin của niềm đau đớn em
Nhận tôi với thân thể này cằn cỗi
Con tin của cuộc đời em

Thần trí bay trong ngôi nhà dục vọng
Cánh hoang mang đáp xuống mối tình cờ
Nhận tôi xuống hôm nay như mãi mãi
Chúng ta đều cô đơn giữa những vòng ôm

Tình yêu có nghĩa như nhà tù
Ta nhận khổ sai tìm hạnh phúc
(Tin cho X, Hóa Thân, trang 105-106)


Ngay khi Viên Linh gợi nhớ về một kỷ niệm cũ, căn nhà anh lưu trú ngày nào ở một thị trấn miền Tây, trong bài thơ ngắn mang tên gọi Ngôi nhà tôi đã ở, thì tất cả đều hiện ra trong một hình thái âm u, khắc khoải, man dại, chúng ta hãy thử đọc lại:

Hồi đó tôi ở Miền Tây
Có cây sên cao âm thầm âm thầm
Lá xơ xác
Ở trên trời kêu và kêu
Một con tắc kè cụt mất cái đuôi
Như người đàn ông ba mươi tuổi nọ
Ngậm mảnh chai trong mồm hết sức
kêu than
Ngôi nhà ấy
Cư ngụ người vắng mặt
(Ngôi Nhà Tôi đã ở, Hóa Thân, trang 111)


Để vận dụng cách phân tích tiết điệu thi ảnh (chữ dùng của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Bùi Xuân Bào để dịch thuật ngữ Rythmanalyse của Gaston Bachelard), chúng ta có thể nói rằng những hình ảnh thực ấy, rất thực, nhưng hơi có phần xù xì, kỳ cục vì đã được tuyển lọc một cách đặc biệt giữa nhiều hình ảnh thực khác, qua đôi mắt nhìn nửa siêu thực nửa tượng trưng. Như cây sên cao với lá xơ xác, cao lặng lẽ âm thầm vượt lên giữa bầu trời và con tắc kè cụt đuôi kêu và kêu mãi hoài, rồi hình ảnh người đàn ông ngậm mảnh chai trong mồm, kêu than thảm thiết. Người đàn ông ấy, có thể là thực, nhưng đã được đẩy đến tận cùng để trở thành tượng trưng hay là một ẩn dụ. Những thi ảnh ấy, đã hợp lại để cùng dựng nên nhịp điệu của một bầu khí xộc xệch, kỳ quái, từ chiều sâu cùng thẳm của một tâm hồn lãng tử hoang dại, hay nói ngược lại, tâm hồn hoang dại của nhà thơ đã kêu đòi những thi ảnh ấy phải hiện ra trong vũ trụ thơ của mình.

Chìa khóa mở cửa vào cõi mộng mị kỳ dị của vũ trụ thơ ấy vẫn còn là một bí mật. Tuy nhiên, ở chỗ này chỗ khác, chúng ta cũng có thể quan sát, sống với, và hơn nữa còn lý giải được phần nào. Như giấc mộng kỳ quái có lần đã hiện ra:

Tay bỗng rụng xương mọc dài nhánh nhọn
Mười ngón thù hâm cấu xước anh em
Tôi khiếp đảm thấy thân mình lả tả
(Ngẫu Tượng, Hóa Thân, trang 25)


Sự biến dạng, hóa thân của hình hài, chính là phản ứng của con người trước xã hội công nghiệp, như ngụ ngôn về một người đàn ông buổi sáng thức dậy thấy mình hóa thành con sâu khổng lồ. Con người cô độc giữa đám đông ấy đã nhập vào với những tìm kiếm và phản ứng của thời đại mà Kafka là điển hình. Ví dụ, trong cái thế giới ấy, có lần chúng ta đã nhìn thấy:

Những đêm lạ mọc chân tay dài ngoẵng
Lặng lủi về khua cõi tối êm
Ra sức dìm tôi lút đầu mộng mị
(Hồi Tưởng, Hóa Thân, trang 39)


Ở một nơi khác, sau cơn chấn động hung hiểm, cả một rừng chim muông vỗ cánh vây phủ lấy nhà thơ. Những cánh chim hoảng loạn ấy nói lên điều gì? Tiếng đập cánh hòa giải giữa nhà thơ và cuộc đời hay chỉ là ký hiệu của nỗi hốt hoảng, tuyệt vọng? Chính nhà thơ, anh đã mãi hoài tìm kiếm, chạy theo đuổi bắt, đi tìm một ý nghĩa nhân sinh, đào sâu để cố phát hiện bản ngã của chính mình, tra vấn và lục lọi, nhưng chỉ đụng đầu vào bức tường dày đặc của những giấc mơ dị dạng, được dựng nên từ một sức mạnh mù tối, vô vọng, không thể nào hiểu nổi.

Tôi chấn động hiệp cùng cơn trái đất
Chim muông ra ào ạt vỗ trên đầu
Khi tỉnh lại thấy quanh mình lặng lẽ
Tôi ngu đần tự hỏi gốc nguồn đâu
(Hóa Thân, trang 27)


Đó là những giấc mơ hoang tưởng về một thiên đường đã lỡ cần được hưng phục lại, nhưng cũng chẳng có lối để về. Ở đây có một người đàn ông/ Ngồi kề gần thiên đường khóc lóc. Nói tắt lại, là bế tắc. Bế tắc bên trong đưa đến cái bí hiểm bên ngoài, như cả một thời kỳ dài của những trường phái phá phách bí hiểm của phương Tây trước thời Đệ Nhị Thế Chiến. Đó là cái bế tắc của cả một thời đại, chứ không phải chỉ của một cá nhân lẻ loi. Thời Viên Linh viết Hóa Thân cũng chính là thời của Thanh Tâm Tuyền với Tôi Không Còn Cô Độc, Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, thời của Tô Thùy Yên viết Thân Phận Thi Sĩ. Người phát ngôn về thơ của cả một thời đại mới đã từng lên tiếng: “... Hơn bao giờ hết, người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca... Họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy... Người ta lạc vào cái thế giới có những đêm tối nghẹn ngào, những ánh sáng lộ liễu, những bệnh viện lạnh lẽo, những nấm mồ hoang vu... Người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày - lẫn giữa đám khốn cùng - với một mẩu tự do sót lại.” (11)

Trong bế tắc và đổ vỡ, trong hỗn loạn rối mù, thi sĩ khẳng định ý thức và tự do của mình. Viên Linh cũng vậy, anh sống thời đại của mình và phát biểu bằng ngôn ngữ của thời đại. Viên Linh viết bài thơ tinh huyết trong những giấc mơ hỗn loạn của mình, để tụng ca cái đẹp giữa cảnh tro than, cũng là cách để khẳng định mình, chẳng cần đến một thiên đường nào khác, chẳng cần phục hưng những vàng son đã hủy.

Ở đây có một con ngựa
Người xà ích đã dong xe một mình
Và chẳng về
...
...
...
Chân dung em buồn thảm
Và đời ta quên mộng huyền bí kia
...
Em hãy nghe và đừng khóc
...
...
Bầu trời xanh cao một vệt đen treo
Và sự tình cờ rơi vào lòng chàng
Một sợi dây vừa đủ cho mình, đừng khóc
đừng khóc.
...
Thời kỳ lãng mạn đã chấm dứt
Chúng nó trở về trên đường đã đi
Song con ngựa thì què và người xà ích
tóc đã trắng
Ngồi lầm bầm chửi rủa
Chiếc xe thì bỏ không, chiếc trục mòn
Quay hoài dưới đất.

Ở đây có một người đàn ông
Ngồi kề gần thiên đường khóc lóc
Căn nhà đã bốc cháy
Cuộc đời tro tàn cây cối đen
Mọc lên và khô như than
Ngày y hối tiếc trở về
Bài thơ tôi làm cùng tinh huyết
Chẳng phải cho ai
Em hãy nghe và đừng khóc, đừng khóc.
Ở đây bọn chúng làm xong chiếc trống mặt da
Và gọi mỗi buổi chiều
Đàn voi trong núi kêu than thần thoại đã mất
Ôi đáy hồ sâu và cung điện của đời
...
...
(Phục Hưng, Hóa Thân, trang 101-104)


Những đoạn thơ được trích lại bên trên, thoạt tiên, tưởng như rời rạc, không ăn khớp vào nhau, nhưng thực ra đã hợp lại để tạo thành một toàn cảnh rất thơ mộng. Tất nhiên không phải là một bức tranh hiện thực, bởi vì nó đã được cấu kết theo một cách tạo hình khá lạ, gần như lối tạo hình trong hội họa Marc Chagall hay S. Dali. Những mảng hình chỗ này chỗ kia: Cỗ xe ngựa, người xà ích tóc bạc trắng sau chuyến hành trình dài tưởng là không trở về, gã đàn ông ngồi khóc bên cạnh thiên đường cửa đóng, căn nhà đã bốc cháy còn lại tro tàn, cung điện dưới đáy hồ sâu, và đàn voi kêu than về thần thoại đã mất. Một bức tranh đẹp cất lên tiếng nói, với những hình ảnh bay bổng, huyền bí, mộng ảo, mà vẫn gợi nên một cái gì đó sâu thẳm nối vào đời sống thực của chúng ta. Và thanh âm, vần điệu cũng vậy, có lẽ phải nói như Thanh Tâm Tuyền: “Vần của nó là vần ẩn giấu cách xa, nhịp điệu của nó là một thứ nhịp điệu rộng rãi, phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn..., là sự thể hiện nhịp điệu của ý thức.” (12)

Hình ảnh, ngữ nghĩa, âm thanh của lời, vần điệu của câu, và nhịp điệu của cấu trúc toàn bộ bài thơ, tất cả đã hợp nhau để dựng một vũ trụ mới của thơ. Cái cõi “mù mịt của tâm thức lạ thường” ấy đã được dựng nên bằng một ý thức mới của thi ca.

Ở bên trên, chúng ta đã có dịp nhìn lại góc cạnh này góc cạnh khác của đời thơ Viên Linh. Chúng ta đã đi qua chữ nghĩa phóng túng trong những cấu trúc tự do khi lật lại vài trang thơ trong Hoá Thân, nhưng đâu là chân dung thơ đích thực của Viên Linh? Gần đây, có dịp đọc lại và đọc kỹ thơ Viên Linh, tôi mới thấy rõ rằng Viên Linh là một tài năng thi ca quá đỗi lạ lùng, lại sống với thơ rất nghiêm cẩn, mê chữ, sống và lao động với chữ một cách thiêng liêng mà cần cù. Anh mơ mộng với cánh đồng thơ như người nông dân yêu thương đất đai, cần cù lao tác trên cánh đồng của mình, trở giấc từng ngày với mùa màng, săm soi từng bông lúa, mầm cây.

Khi so sánh nhà thơ với người nông dân, tôi muốn nói đến người nông phu chân lấm tay bùn trong đồng ruộng Việt Nam. Viên Linh cũng vậy, thơ của Viên Linh bắt nguồn từ trong tình tự, tâm hồn và ngôn ngữ Việt Nam, khởi thủy từ những áng phong dao, đồng dao, ca dao, là suối nguồn, là dưỡng chất nuôi nấng tâm hồn đất nước từ bao nhiêu thế kỷ. Điều này cũng có thể hiểu được, vì thuở thiếu thời Viên Linh sống trong một gia đình nhà nho, giữa một làng quê của đồng bằng sông Hồng. Có lẽ trong bối cảnh ấy, anh đã tiếp thu bằng cả ngũ quan của mình, và trái tim anh đã chứa chan từ lúc nào cái đẹp trữ tình, mộc mạc, hồn hậu ấy. Vào đời, đến với văn chương rất sớm, tấm lòng mở rộng, tất nhiên chàng tuổi trẻ phải bị quyến rũ ngay vì cái tân kỳ nồng nàn, hăng hái đi tới với cái mới. Nhưng cùng lúc đó, có những lúc dừng chân bên đường, nghỉ ngơi đôi chút rồi suy nghĩ, rồi trăn trở, và cả chiều sâu của tâm hồn như hiện ra, rồi cái sâu thẳm của quá khứ được điều chỉnh, để hòa nhập vào giữa cảnh ngược xuôi của cuộc đời đang gióng trống phất cờ. Nên thơ Viên Linh không phải chỉ là những phát biểu phá phách, phá tan hoang nề nếp cũ, dẫm chân trên những lối đi mạnh mẽ, ngang tàng, bướng bỉnh. Anh đã tìm ra một sự hòa hợp, vẫn rất tân kỳ, rất kiểu cách, rất mới, mà lại tiếp nối được với nhịp đập từ bao nhiêu đời rồi của dân tộc. Giòng lục bát của Viên Linh đã chảy qua giữa nền thơ Việt Nam hiện đại, góp được một tiếng thơ lạ cho nền văn học của chúng ta.

(...)

Lục bát là một thể thơ quen thuộc, thân thiết với tất cả mọi hạng người, hoặc cũng có thể nói là một thể thơ rất dân tộc. (Dường như người Chàm cũng có thể thơ lục bát như dân Việt.) Lục bát vì quen thuộc nên rất khó viết. Chỉ thiếu công lực một chút là rơi ngay vào chỗ thô thiển, vần vè, sáo ngữ. Cái rủi cho người viết lục bát là từ bao nhiêu đời trước đã có những bài ca dao quá đẹp, hơn thế nữa, cụ Nguyễn Du cũng đã lỡ viết những giòng lục bát thần tình, trác tuyệt. Người viết thơ lục bát thời nay phải có nội lực, phải sống thâm thiết cái hồn thơ, phải tu luyện và rèn tập chữ nghĩa, để nâng lục bát lên cao trong một cách nhìn độc đáo và sáng tạo, có nghĩa phải là mới và lạ. Viên Linh đã lao động với tình yêu vô hạn, trên những trang giấy và giòng mực của anh, để mang lại cho chúng ta những bài lục bát rất mới, rất kỳ lạ.

Hãy đọc thêm vài bài lục bát của Viên Linh để thấy ra được cái cao cường và sức quyến rũ kỳ lạ của lục bát Viên Linh. Dưới đây là một trong những tuyệt tác đó.

Đêm Trường

Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại phân thân chín từng.

Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng cơn say
Phải anh rồi phải anh đây
Bữa cơm hai bóng một ngày phần dương.

Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao.

Năm năm đời trú mái sầu
Thời gian phai nhạt những màu yêu đương
Nhớ em lần lữa chiếu giường
Đêm nay lại một đêm trường như xưa.(15)


Đọc Đêm Trường, bất kỳ ai cũng có thể nhận rằng đây là một tuyệt tác. Bài thơ viết rất kỹ lưỡng và cầu kỳ. Kỹ lưỡng nơi từng chữ, từng câu, từng đoạn, vậy nhưng nó vẫn tỏa ra một hồn thơ rất kỳ lạ, chẳng bị vướng víu chút gì vào kỹ thuật. Tôi rất muốn lập lại ở đây lời bình Kiều của Tiên-Phong, Mộng-Liên-Đường chủ-nhân từ thời Minh Mệnh, để dùng những lời lẽ tài hoa thâm hậu ấy mà tán tụng Đêm Trường, nhưng thôi xin hẹn lại vào một dịp khác.

Đêm Trường quả đã gợi lên một cảnh tượng huyền ảo, bí mật. Cơn mưa tầm tầm dội xuống mái nhà, trời đất như mênh mông, xóa mờ không gian để có thể nối liền cuộc đời này, thế giới này với một thế giới khác ở cõi âm hồn. Cúc Hoa, một con người chắc chắn từng hiện hữu ở đời, bởi vì Viên Linh đã có lần xác định rằng thơ không phải là sản phẩm của tưởng tượng như một cuốn tiểu thuyết, mà là của đời mình, một phần đời mình (16). Nhưng Viên Linh đã nhập nhân vật thực ấy vào Cúc Hoa của một cổ tích từ đời nào, để từ đó người thơ còn có thể đi tìm nàng ở thế giới bên kia, bởi vì “Nàng là một thứ hạnh phúc địa ngục.” (17) Một thứ Orphée - Eurydice. Nội một chữ Cúc không thôi cũng đủ lạ rồi. Cúc là Cúc Hoa, mà cũng có thể là bông cúc vàng, rồi cúc hường, cúc xanh, cúc đen. Rồi thì “Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao” thì quả là đến chỗ lạ kỳ tuyệt vời mà không kỳ cục quái đản chút nào.

(...)

Chúng ta vừa đọc lại dăm bài thơ của Viên Linh, thời của nhiều phóng túng và khắc khoải với thơ tự do, rồi thời trở về với lục bát, hơi thở cố hữu tự nhiên của đất nước.

Chúng ta cần nhớ đến dấu mốc lịch sử 1963. Bởi vì sau biến cố 63, một sự thôi thúc phục hưng những giá trị văn hóa đích thực của dân tộc đã tự động phát triển trên toàn cõi miền Nam. Trong lãnh vực thi ca cũng vậy, đã có khuynh hướng đi tìm lại một nhịp điệu quân bình, sáng sủa, và giản dị, nên thơ tự do cũng không còn cái say đắm hung hăng thơ mộng của ngày nào. Thay cho ngọn cờ dẫn đường phất lên với những: Tôi buồn khóc như buồn nôn / Ngoài phố / Nắng Thủy tinh / Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ /.../../ Chiều Không xanh / Không Tím / Không hồng / Những Ống Khói Tàu mệt lả, một khuôn mặt mới, mặc dù xuất hiện đã từ bao nhiêu năm trước mà chưa được mọi người lưu tâm gì lắm, bắt đầu hồn nhiên chiếm lĩnh ngọn thi sơn, dựng một cục diện mới cho thi ca: Trung niên thi sĩ. (19) Viên Linh hoàn toàn đồng ý với cách nhìn ấy, và đã nhập cuộc với chuyển động ấy, như anh cũng đã từng nhìn nhận: “Làm thơ lúc này lại càng khó. Chữ nghĩa nhịp điệu sinh khí của Thơ Tự Do đang biến đổi. Trầm xuống lặn vào.
Và người bạn Trung niên thi sĩ, anh vừa mở một cánh cửa mới cho Thi Ca, nhìn vào một ngôi nhà trống trải, ngó xuống một cánh rừng mênh mông. Muông thú và tu sĩ. Tiếng kêu và Kinh tự.”(20)


Từ đó chúng ta sẽ thấy rằng Viên Linh đã trở lại và sống hoàn toàn với nhịp đập và hơi thở của đất nước, anh làm thơ lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ nhị thập bát tú, mà ngay cả thơ tự do thì cũng với tiết nhịp êm đềm, mềm mại, và hiền hòa.

Tìm cho được một cách phát biểu thích hợp là cần thiết, nhưng cốt lõi vẫn là tấm lòng tha thiết với thơ. Anh sống với thơ, nghiêm trọng với thơ, cân nhắc với thơ. (...)

Nam California, Tháng 7.2004
(Trích từ bài viết cùng tên - nguồn hocxa.com)


Chú thích:

(1) Tất cả những trích dẫn từ thi tập Hoá Thân đều dựa vào ấn bản in lại của Edition lmn, Bonn, Germany, 1994.
(2) Trong một nhận định về Nguyễn Đức Sơn trước đây, chúng tôi đã có dịp đề cập đến những bóng dáng này, là những triết gia, nhà văn, thi sĩ đã ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nền văn nghệ miền Nam thời của thập niên 50-60. Nhận định về Viên Linh, chẳng thể nào không đề cập đến bối cảnh ấy, vậy nên chúng tôi phải lập lại điều ấy ở đây. Xin xem thêm: Huỳnh Hữu Ủy: “Nguyễn Đức Sơn: Một đỉnh thơ kỳ dị và cô độc”, Hợp Lưu, số 47, tháng 6 & 7 năm 1999. In lại trong Mấy Nẻo Đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa, Văn Nghệ, 1999.
(3) Lời của Viên Linh, in trên bìa sau Thi Tập Hóa Thân, Sđd.
(4) B.Đ. Ái Mỹ trích dẫn và chuyển dịch trong bài viết bàn về Xuân Diệu Lại Thơ Thơ, Góp lời bạn Hoàng Trong Quỵ, Tạp chí Trong Khuê Phòng, số 83, năm thứ 3.1939. Võ Long Tê dẫn lại trong “Présence de Rimbaud au Vietnam. Essaie de bibliographie critique”, Publications du Centre de Documentation et d’ Études Vietnamiennes, Bibliothèque de la Conférence Épiscopale du Vietnam, pp.260-261, vol.1, Saigon, 1974.
(5) Chúng ta hãy để Viên Linh giải thích về mấy câu thơ này, “Một kẻ hoài nghi nhân loại... tên vô chính phủ, một đời không phụng thờ ai.” Khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, bút hiệu Nguyễn Nam Anh, hỏi chuyện Viên Linh trên số Văn đặc biệt về Thơ xuất bản ở Sàigòn năm 1972, N.X.H hỏi Viên Linh nhiều điều với mục đích “đi thật xa với Viên Linh”, trong đó có câu hỏi “Điều gì làm ông ghê tởm nhất?” thì Viên Linh đã trả lời cộc lốc và quyết liệt: “Khi đến trước cửa một cơ quan công quyền.” Câu trả lời thực gai góc, dữ dội, nhưng nếu diễn dịch ra cho nhẹ nhàng, thì tôi thấy khá gần với David Henry Thoreau hoặc các ẩn sĩ phương Đông của một thời xa xưa nào. Một thi sĩ tự do thực sự, để tiêu dao tự tại và để viết, thì có lẽ tốt nhất sẽ là một con người vô chính phủ.
(6) “Lời nôm gửi em Hoa, Thơ vào Thu”, Khởi Hành, số 73, California, tháng 11.2002, trang 29-30. Bài này trước 1975 đăng trên Tạp Chí Thời Tập, Sài Gòn.
(7) Xin xem thêm Viên Linh: "Ngôi nhà tôi đã ở", truyện ngắn, trong Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam, 1954-1973), Sóng xuất bản, Sài Gòn, 1974, trang 695-708. Khởi Hành in lại trên số 56, tháng 6, 2001 và "Ngôi nhà tôi đã ở", hồi tưởng của Nhã Ca, cũng có thể xem là lời bạt cho tập thơ Hóa Thân, viết vào tháng 4. 1964 ở Sài Gòn năm 1964 khi Hóa Thân được Tạp Chí Văn Nghệ ấn hành lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1964, có in lại trong ấn bản ở Đức năm 1994.
(8) Viên Linh, “Đường Bạch Dương”, Khởi Hành, số 71, Tháng 9.2002, Trang 19.
(9) Trần Tuấn Kiệt, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại 1880-1965, Nxb Khai Trí, Sàigòn, 1967.
(10) Trần Tuấn Kiệt, Sđd, Trang 921.
(11) Thanh Tâm Tuyền, Nỗi buồn trong thơ hôm nay, 1956, in lại trên Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, tháng 10.1972, Thụy Khuê trích dẫn trong Cấu Trúc Thơ, Văn Nghệ, California, Trang 40.
(12) Thanh Tâm Tuyền, Sđd, Trang 39.
(13) Trần Tuấn Kiệt, Sđd, Trang 921.
(14) Viên Linh, Nàng Thơ và Cảm Hứng, Khởi Hành, số 89, California, 2004, Trang 17.
(15) Đêm Trường, Thủy Mộ Quan, Thời Tập xb, California, 1992, trang 134-135. Đêm Trường in trong phần Dư Tập, tức là phần tập hợp những bài thơ viết ở Sàigòn trước 1975, tìm thấy lại rải rác nơi này nơi khác ở hải ngoại. Thủy Mộ Quan gồm ba phần, đúng ra là 3 thi tập được in gộp chung lại trong một ấn phẩm: 1) Thủy Mộ Quan bao gồm những bài thơ làm trong hai năm 1981 và 1982, tập trung vào biến cố người Việt ngoài biển Đông. 2) Ngoại Vực: Thơ làm từ 30 tháng 4 năm 1975 sau khi rời Sàigòn. Và 3) Dư Tập: Một số thơ đã đăng báo trước 1975 ở quê nhà.
(16) Viên Linh trả lời phỏng vấn của Nguyển Nam Anh, Văn số 198, đặc biệt về Thơ, Sàigòn, 15.3.1972, Trang 86.
(17) Viên Linh trả lởi phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, đã dẫn ở trên, trang 89.
(18) Nghi Hoặc Nỗi gì, Thủy Mộ Quan, Trang 94-102.
(19) Tức Bùi Giáng.
(20) Đã dẫn ở bên trên, xem lại chú thích (8).
(21), (22) Viên Linh trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, Sđd, Trang 90,91

Trở về đầu trang